Với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Đại Từ quan tâm. Từ đây, nhiều hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ sản xuất, sửa chữa và xây dựng mới nhà ở; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt chỉ tiêu so với kế hoạch hàng năm.
Việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững. Trong ảnh: Mô hình sản xuất chè an toàn tại xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ). |
Theo kết quả tổng rà soát đến tháng 5/2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Đại Từ là 4.022 hộ (chiếm 7,84%) và 3.063 hộ cận nghèo (chiếm 5,97%). Trong đó, nhiều hộ có đời sống khó khăn, nhà ở đã cũ nát, không an toàn. Nhằm giúp người dân "an cư lạc nghiệp", ổn định cuộc sống, Đại Từ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Theo đó, năm 2022, huyện Đại Từ đã triển khai hỗ trợ 115 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn (tăng gần 20 nhà so với năm 2021), với tổng kinh phí trên 5,8 tỷ đồng. Qua đó, góp phần thắp lên niềm tin cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo để vươn lên thoát khó.
Trường hợp của anh Đặng Quang Lợi, ở xóm La Mận, xã Bản Ngoại là một ví dụ. Công việc không ổn định, nay đây mai đó nên dù chăm chỉ làm lụng, tích góp, song nhiều năm nay, vợ chồng anh Lợi vẫn chưa thoát được nghèo. Ngôi nhà được bố mẹ cho khi ra ở riêng được xây dựng đã lâu nên ngày càng xuống cấp, không đủ điều kiện để sinh hoạt. Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình, huyện Đại Từ đã hỗ trợ anh Lợi 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Từ số tiền được hỗ trợ và vay mượn thêm, sau hơn 3 tháng thi công, cuối năm 2022, ngôi nhà cấp bốn đã được hoàn thiện.
Ngắm nhìn ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, anh Lợi xúc động: Nếu không có số tiền hỗ trợ, có lẽ tôi cũng không có động lực để xây nhà mới. Vậy là từ nay, vợ chồng tôi và 2 con nhỏ không còn phải lo nhà dột, nhà sập mỗi khi trời mưa lớn. Sau khi ổn định chỗ ở, mới đây, tôi đã gửi đề xuất lên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để vay vốn mở trang trại gà và được chấp thuận cho vay 70 triệu đồng. Tôi quyết tâm không để cái nghèo đeo bám mình mãi!
Trong năm 2022, huyện Đại Từ hỗ trợ xây dựng 115 ngôi nhà Đại đoàn kết, với tổng kinh phí trên 5,8 tỷ đồng. |
Bên cạnh chung tay hỗ trợ người nghèo “an cư” thì việc giúp họ có sinh kế ổn định được xem là giải pháp thiết thực nhằm giảm nghèo bền vững. Thực hiện chính sách này, từ năm 2016 đến nay, huyện Đại Từ đã hỗ trợ trên 20 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã khó khăn, xã an toàn khu.
Qua đó, hàng nghìn hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ con giống, phân bón, máy móc, thiết bị chế biến, bảo quản nông sản; tham gia các mô hình giảm nghèo… Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cũng phát động các phong trào thi đua sản xuất, trực tiếp giúp đỡ hội viên thoát nghèo.
Trong năm 2022, toàn huyện Đại Từ có gần 23.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo tại 398 xóm bản được hưởng lợi từ các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi… Tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 100 tỷ đồng. Cùng với bố trí hợp lý vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, huyện còn tăng cường huy động nguồn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, ngân sách Trung ương là trên 15 tỷ đồng, ngân sách địa phương là gần 8 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thực hiện “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”, năm nay, Ban Chỉ đạo Chương trình đã tiếp nhận trên 2,8 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Từ nguồn hỗ trợ trên, huyện Đại Từ đã thành lập các đoàn thăm, tặng quà hơn 5.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, huyện chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, người tham gia thực hiện các nội dung, chương trình giảm nghèo; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên việc thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2022, địa phương tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực làm công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm với sự tham gia của gần 1.200 học viên…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra kế hoạch hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,2% trở lên. Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu này, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cấp huyện, xã; thành lập tổ công tác thực hiện Chương trình; phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các dự án giảm nghèo; lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo…
Việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, cận nghèo đã giúp các hộ dân tiếp cận được với những dịch vụ xã hội cơ bản. Qua đó, góp phần đảm bảo cho người dân có cuộc sống ổn định, nâng cao nhận thức của bà con, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo trong việc chủ động vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo trên địa bàn.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đại Từ còn 5,71%, giảm 2,13% so với năm 2021 và đạt 177,5% kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,05%, tương đương mức giảm 0,92% và đạt 122,7% kế hoạch tỉnh giao. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin