Nhẹ dạ cả tin nộp tiền đặt cọc hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân cho người không có chức năng đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà không có biên lai, để rồi "tiền mất, tật mang". Chiêu thức lừa đảo trên dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng vẫn khiến không ít người mắc "bẫy". Hiện nay, phương thức lừa đảo này có chiều hướng gia tăng. Cơ quan chức năng khuyến cáo những người có ý định đi XKLĐ cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký hợp đồng...
Một buổi thực hành nghề của người lao động chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long. |
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, chị Đỗ Thị Bích Ngọc ở tổ 4, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, đã gặp gỡ người phụ nữ xưng tên Nhi, giới thiệu làm tại Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế Thành Đô (địa chỉ tại thôn Lai xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), chi nhánh đặt tại ngõ 219 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) để liên hệ việc đi XKLĐ.
Chị Ngọc được Nhi hướng dẫn chọn đơn hàng làm công nhân may tại Nhật Bản và từ ngày 23-12-2022 đến ngày 7-1-2023 đã nộp 69.900.000 đồng là tiền đặt cọc, giữ chỗ. Cả 3 lần nộp tiền đều được hướng dẫn chuyển vào tài khoản cá nhân tại một ngân hàng, nhưng không nhận được biên lai thu tiền. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, cộng với hoàn cảnh khó khăn, phải cầm cố “sổ đỏ” để vay tiền, chị Ngọc đề nghị rút khỏi chương trình thì được thông báo chỉ được trả lại 30 triệu đồng vì phải mất chi phí "tiếp đối tác"...
Không khó để tìm thấy những thông tin về thủ đoạn lừa đảo tương tự trong các hội, nhóm XKLĐ trên mạng xã hội. Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Văn Đông (quê ở tỉnh Bắc Giang) đã bị Phạm Hồng G. (trú tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức) mạo danh là nhân viên của một công ty có chức năng đưa người đi XKLĐ để thu tiền, bằng tốt nghiệp đại học, hộ chiếu, nhưng đến nay đã 3 năm vẫn chưa nhận được việc làm, cũng không đòi được số tiền 3.000 USD và những giấy tờ nêu trên.
Trường hợp anh Đinh Văn Công (quê ở tỉnh Hưng Yên) cũng bị người tên Lương Kim Ng., tự nhận là người của Công ty XKLĐ Simco Sông Đà lừa đảo. Hình thức vẫn là thu tiền đặt cọc của người lao động nhưng không có hóa đơn và sau đó đối tượng "biến mất".
Trong khi đó, Phạm Tiến Dũng (trú tại tỉnh Bắc Ninh) lại có thủ đoạn lừa đảo kiểu khác. Đối tượng này đã bị truy tố vào tháng 10-2022 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi chiếm đoạt gần 500 triệu đồng của 9 người thông qua hình thức núp danh Trung tâm đào tạo Nhật ngữ Pháp Vân thu tiền, sắp xếp cho lao động học tiếng Nhật nhưng không làm thủ tục để họ đi làm việc tại nước ngoài như cam kết.
Đối tượng Quản Trọng Long trú ở phường Quang Trung (thành phố Hải Dương) cũng bị Công an tỉnh Hải Dương bắt vì thu gần 1,2 tỷ đồng của 17 lao động, hứa đưa đi làm việc tại Hàn Quốc và Canada. Thủ đoạn của Long là lấy ảnh của người lao động ghép vào thị thực giả, vờ đưa những người này đi khám sức khỏe và làm một số thủ tục để che mắt nhằm chiếm đoạt tiền của họ.
Người lao động làm thủ tục xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc. |
Cần cảnh giác và tỉnh táo
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về đơn kêu cứu của chị Đỗ Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Cục Quản lý Lao động ngoài nước) Nguyễn Như Tuấn cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận thông tin và vẫn đang tổ chức xác minh sự việc.
Chia sẻ về các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, tội phạm lừa đảo thường dẫn dụ nạn nhân đến những thị trường lao động có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu… Trên thực tế, thị trường XKLĐ đi Hàn Quốc theo thị thực E7 (loại thị thực dành cho lao động có tay nghề cao) có đặc thù là các công ty chỉ được phép tổ chức tuyển chọn lao động đi nước này sau khi được Cục chấp thuận việc chuẩn bị nguồn lao động hoặc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động.
Dù đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn quảng cáo, mời chào, trong khi đó người lao động lại nhẹ dạ tin nên mất tiền “oan”. Riêng trong năm 2022, Cục đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 9 công ty vì đã chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7 ngành thợ hàn đóng tàu khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Số tiền phạt trung bình từ 50 đến 60 triệu đồng/công ty.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Cục cũng đã liên tục đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý lao động ngoài nước ở địa chỉ dolab.gov.vn về những công ty vi phạm, trong đó có danh sách 212 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép để người lao động tham khảo... Đồng thời, Cục cũng đã phối hợp với các cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về tình trạng lừa đảo XKLĐ. Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin và tìm đến những công ty có uy tín khi có nhu cầu đi XKLĐ. Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo, người lao động cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an để phối hợp xử lý...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin