Chủ động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Tùng Lâm 07:49, 14/03/2023

So với 10 năm trước, hiện nay, Thái Nguyên đã bước đầu kiểm soát được mức tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS). Dù vậy, mất cân bằng GTKS vẫn đang ở mức khá cao, minh chứng rõ nét nhất là trong năm 2022 có 6.109 trẻ trai/5.365 trẻ gái được sinh ra tại Thái Nguyên. Theo đó, tỷ số GTKS là 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2019 là 115,0 trẻ trai/100 trẻ gái)…

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa An Phú (TP. Thái Nguyên) siêu âm kiểm tra sức khỏe thai nhi.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa An Phú (TP. Thái Nguyên) siêu âm kiểm tra sức khỏe thai nhi.

Tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn tồn tại trong suy nghĩ của một bộ phận người dân, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên và sự thiếu quyết liệt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của số ít chính quyền địa phương là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cân bằng GTKS ở Thái Nguyên.

Ông Đặng Thành Quang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Long (Võ Nhai), nói: Tình trạng mất cân bằng GTKS đáng lo ngại nhất là ở các địa bàn có người dân tộc Mông sinh sống. Do tập quán lạc hậu, hầu hết các gia đình vẫn có tư tưởng trọng nam, khinh nữ nên thường đẻ nhiều, đẻ dày, đặc biệt với những gia đình chỉ sinh con gái…

Mất cân bằng GTKS dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai chính là hệ lụy được cảnh báo từ lâu tại Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Đây là bài học “xương máu” đã xảy ra tại nước láng giềng Trung Quốc. Đáng lo ngại nhất là tình trạng nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống gia đình và xã hội.

Thực trạng này cũng đã khiến nhiều hộ dân ở Thái Nguyên bị ảnh hưởng (nhất là thời điểm đầu những năm 2000) khi có người thân bị lừa bán sang Trung Quốc cho những trường hợp nam giới khó lấy vợ và làm gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn.

Đáng nói, lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới việc phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ, tăng bất bình đẳng giới. Thừa nam, thiếu nữ là nguyên nhân làm tăng tệ nạn xã hội như mại dâm… 

Nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng GTKS, những năm qua, Thái Nguyên đã chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền về hệ lụy của mất cân bằng GTKS theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Không chỉ đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, Thái Nguyên còn tích cực tuyên truyền trên các cụm loa của huyện, thành phố, xã, xóm…

Đặc biệt, lực lượng y tế còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền nhóm nhỏ tại hộ dân, tại trạm y tế; tổ chức mít tinh, tọa đàm, diễu hành; căng treo băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tài liệu liên quan; tổ chức Chiến dịch truyền thông nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10). Đồng thời vận động người dân thực hiện bình đẳng nam, nữ, không phân biệt con trai con gái; tổ chức ký cam kết với các cơ sở y tế tư nhân, y tế công lập về không thông báo, lựa chọn giới tính thai nhi. Cùng với đó là tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: Để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, những năm qua, chúng tôi còn tổ chức các lớp tập huấn về truyền thông giảm tình trạng mất cân bằng GTKS; các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Trong năm 2022, chúng tôi phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung truyền thông, giáo dục về dân số và kiểm soát mất cân bằng GTKS vào giảng dạy trực tiếp ở bộ môn sinh học, giáo dục công dân; tổ chức tuyên truyền về mất cân bằng GTKS tại 32 trường THPT trong tỉnh.

Năm 2023, Thái Nguyên phấn đấu tỷ số giới tính khi sinh đạt 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động can thiệp, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi…