Đầu tư cho y tế vùng khó

Tùng Lâm 08:35, 13/03/2023

Hiện nay, Thái Nguyên có trên 120 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có trên 80 xã ở các địa bàn vùng khó như Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương… Đây cũng là những địa bàn cần được đầu tư mạnh hơn về cơ sở vật chất và nguồn lực con người trong lĩnh vực y tế. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, ngành Y tế Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Cán bộ y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tư vấn, nâng cao nhận thức người dân về trong chăm sóc sức khỏe,đặc biệt là chăm sóc trẻ nhỏ.
Cán bộ y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tư vấn cho người dân về các biện pháp chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc trẻ nhỏ.

Xác định y tế cơ sở là tuyến đầu, nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản, ngành Y tế Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các trạm y tế. Đến nay, 178/178 trạm y tế tuyến xã, trong đó có trên 120 trạm y tế ở các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đều được đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm, máy điện tim, bàn khám sản khoa, ghế khám răng...

Bác sĩ Lê Thị Thảo, quyền Trạm phó, phụ trách Trạm Y tế xã Thần Sa (Võ Nhai), cho hay: Năm 2019, Trạm y tế xã đã được xây mới nhà làm việc 2 tầng và được đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại. Qua đó, giúp Trạm tổ chức các hoạt động chuyên môn được tốt hơn.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, từ khi được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng; đầu tư thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ và sự hỗ trợ của tuyến trên về chuyên môn, các y, bác sĩ tuyến dưới đã có thể tiếp nhận chuyển giao và triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật mới. Điển hình như: xử lý các ca cấp cứu do ong đốt, xuất huyết dạ dày, giúp sản phụ "vượt cạn" thành công ngay tại tuyến y tế cơ sở…

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, ngành Y tế Thái Nguyên cũng chú trọng phát triển đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn, đảm bảo tốt chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Hiện nay, lực lượng y tế tuyến xã có trên 1.000 người. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tế cơ sở, các đơn vị luôn tạo điều kiện để các y, bác sĩ, điều dưỡng tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngành Y…

Ngành Y tế Thái Nguyên chú trọng đầu tư máy vi tính nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tại các trạm y tế ở vùng cao. Trong ảnh: Cán bộ y tế xã Thần Sa (Võ Nhai) cập nhật số liệu vào phần mềm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 Quốc gia.

Thạc sĩ, bác sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu về khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, chúng tôi đã tăng cường công tác đào tạo chuyên môn sâu cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ giữ y đức, có thái độ phục vụ nhân dân tốt nhất…

Với nhiều nỗ lực, thời gian qua, việc đầu tư cho y tế vùng cao đã được Thái Nguyên đặc biệt chú trọng, mang lại hiệu quả cao. Từ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho y tế tuyến cơ sở; chú trọng phát triển nguồn lực con người đã góp phần hạn chế tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở cũng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại địa phương.

Chị Triệu Thị Mỵ, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), nói: Mỗi khi đau ốm, chúng tôi đến trạm y tế khám, chữa bệnh chứ không phải ra tận trung tâm huyện. Các y, bác sĩ của trạm y tế rất nhiệt tình, trách nhiệm và có tay nghề cao, điều trị hiệu quả các bệnh viêm phổi, viêm họng cấp, phụ khoa… cho người dân.

Theo ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: Đạt được kết quả này là do Thái Nguyên đã tập trung đầu tư cho các trạm y tế xã, nhưng không đầu tư tràn lan mà tập trung ưu tiên cho những vùng khó khăn nhất, khu vực gần dân, xa trung tâm để đảm bảo trang thiết bị và nhân lực đầy đủ. Nhờ đó, y tế miền núi, vùng cao ở Thái Nguyên đã ngày càng khởi sắc.

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng khích lên nhưng để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở, đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh, thời gian tới, ngành Y tế đề ra kế hoạch tăng cường đào tạo và cử y, bác sĩ có tay nghề cao tăng cường về trạm y tế xã; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại hơn cho tuyến cơ sở.

Thông qua đó, không chỉ giúp người dân tiếp cận được với dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại địa phương mà còn góp phần khẳng định vai trò quan trọng của tuyến cơ sở trong hệ thống y tế - là nơi quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng,  tổ chức cấp cứu ban đầu, khám, chữa bệnh thông thường cho người dân.

Đặc biệt, để việc đầu tư đạt hiệu quả cao hơn nữa, các cấp, ngành chức năng sẽ tiến hành rà soát tổng thể trạm y tế tuyến xã, ưu tiên các trạm chưa đảm bảo cơ sở vật chất. Từ đó, tăng cường điều hành ngân sách, đảm bảo các nguồn kinh phí sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, trang sắm thiết bị y tế được phân khai hiệu quả...