Thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh... đó là nội dung có tính chiến lược mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang nỗ lực thúc đẩy.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chúc mừng các doanh nhân tiêu biểu. Ảnh TL |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong suốt những năm qua, về cơ bản doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Trong đó có vai trò thúc đẩy của các hội, hiệp hội chuyên ngành của từng địa phương và cả nước.
Báo cáo tổng kết của VCCI cho thấy, các hoạt động xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,... đã được đẩy mạnh, đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Các mặt công tác được triển khai toàn diện, chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Đặc biệt, vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, điều này thể hiện rõ nét, nổi bật trong mấy năm gần đây. Có thể kể tới hoạt động điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm đều tốt, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) tuy mới bắt đầu thực hiện từ năm 2021 nhưng thuộc tốp các tỉnh đi đầu và tạo không khí thi đua mới.
Môi trường sản xuất, kinh doanh chưa bao giờ minh bạch, bình đẳng và hiệu quả như hiện nay. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hội, đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Cơ bản hoàn thành khâu kết nối hội doanh nghiệp cấp tỉnh, phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động của từng doanh nghiệp...
Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã nhận thấy công tác phát triển và phục vụ doanh nghiệp hội viên chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp; chưa thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và bản sắc văn hóa riêng của doanh nhân Việt Nam, nhất là nội dung xây dựng chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Do đó, hoạt động của tổ chức hiệp hội và doanh nghiệp phải đồng bộ với định hướng phát triển của tỉnh, của đất nước. Doanh nghiệp vững mạnh - tỉnh mạnh - Đất nước thịnh vượng. Sứ mệnh của hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng như các hội chuyên ngành là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Thái Nguyên đang thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 10 nghìn doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh và thúc đẩy môi trường thông tin, truyền thông lành mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin