Theo ông Đào Minh Sơn, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư), đến nay, Công ty CP Tập đoàn Tâm Lộc Phát mới làm thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho 1 địa điểm tại số nhà 338, đường Cách mạng Tháng 8, tổ 13, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công. Điều này đồng nghĩa, những địa điểm khác của Tâm Lộc Phát đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Bên trong Văn phòng đại diện tại Thái Nguyên của Tâm Lộc Phát trên đường Phủ Liễn (TP. Thái Nguyên) là một số sản phẩm sữa tắm, dầu gội đầu… được bày bán. |
Vậy Tâm Lộc Phát hiện có bao nhiêu địa điểm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên? Để trả lời được câu hỏi này, chúng tôi mất khá nhiều thời gian tìm hiểu. Theo lời giới thiệu, quảng cáo của một số thành viên Tâm Lộc Phát tại tỉnh, chúng tôi nhận được nhiều thông tin khác nhau, mỗi người nói một kiểu. Người thì bảo Thái Nguyên có 5 điểm giao dịch, gồm 2 ở TP. Sông Công, 2 địa điểm ở TP. Thái Nguyên và 1 ở huyện Phú Bình. Người lại giới thiệu có cả địa điểm ở TP. Phổ Yên…
Sau nhiều ngày “lần” theo chỉ dẫn, chúng tôi xác định được 3 địa điểm của Công ty này đang hoạt động. Thứ nhất là tại TP. Sông Công đúng với địa điểm được cấp phép. Thứ hai là tại số nhà 49, tổ 7, phường Hương Sơn (ghi biển là Phòng Giao dịch Gang Thép Thái Nguyên). Thứ ba là tại số nhà 7, tổ 18, đường Phủ Liễn (ghi là Văn phòng đại diện Thái Nguyên).
Một đặc điểm chung của cả 3 địa điểm này là đều có “Gian hàng tiện ích bán và giới thiệu sản phẩm”, nhưng sản phẩm bày bán phía trong rất sơ sài và không chỗ nào giống chỗ nào. Tại Phòng Giao dịch Gang Thép, sản phẩm bày bán chỉ là mấy bao gạo, mỳ và một ít chè búp, trong khi Văn phòng đại diện Thái Nguyên bày hàng giống như một tạp hóa, chủ yếu là mấy mẫu nước giặt, dầu gội đầu, sữa rửa mặt của một số thương hiệu phổ biến trên thị trường. Văn phòng Sông Công cũng chỉ có một ít sản phẩm được trưng bày…
Một số văn phòng, phòng giao dịch của Tâm Lộc Phát tại Thái Nguyên. |
Theo số điện thoại được ghi trên tấm biển của Văn phòng đại diện tại Sông Công, chúng tôi đặt vấn đề muốn được trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm chè của hợp tác xã và có nhu cầu thuê tổ chức một hội thảo. Trả lời chúng tôi là một người đàn ông, cho biết: Doanh nghiệp muốn trưng bày sản phẩm thì phải về làm việc với “Văn phòng Tổng”, chứ các Chi nhánh không có quyền. Nếu muốn thì tôi có thể liên hệ, chắp mối. Việc thuê tổ chức sự kiện cũng vậy, cũng phải làm việc với “Tổng Công ty” nhưng họ sẽ không nhận tổ chức các sự kiện có quy mô dưới 1 nghìn người.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về việc muốn góp vốn thì người này lại rất nhiệt tình, sẵn sàng đến tận nhà để tư vấn…
Đối với Phòng Giao dịch Gang Thép, chúng tôi gọi hỏi mua vé máy bay thì nhận được câu trả lời là không bán (mặc dù trên tấm biển ghi trước Phòng có dịch vụ này). Gọi một cuộc khác ngỏ ý muốn trưng bày giới thiệu sản phẩm thì được câu trả lời là Công ty chỉ trưng bày giới thiệu sản phẩm cho những thành viên tham gia vào “hệ sinh thái” của Công ty, với mức góp vốn từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Người góp vốn vừa được giới thiệu sản phẩm miễn phí, vừa được trả lãi suất cao gấp rưỡi và nhiều lợi ích khác…
Trong khi đó, theo Thông báo số 06/TB-TLP ngày 21/7/2022 của Tâm Lộc Phát về việc đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh gửi tới Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, trong số 45 ngành, nghề kinh doanh của Công ty tại chi nhánh không có nội dung nào liên quan đến hoạt động góp vốn hay huy động vốn.
Thực tế này cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ mục đích hoạt động, chấn chỉnh tình trạng không phép của một số văn phòng Tâm Lộc Phát tại tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin