Mặc dù chưa đến thời gian nghỉ hè, nhưng cuối tháng 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 4 học sinh (HS) tử vong. Điều này, một lần nữa gióng lên hồi chuông để các bậc phụ huynh lưu ý, nhắc nhở con em mình không nên đến những nơi như ao, hồ, sông, suối… tắm khi không có sự giám sát của người lớn, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đoàn Thanh niên xã Tân Quang (TP. Sông Công) làm “thang” cứu sinh để thả xuống kênh Núi Cốc, giúp người không may bị ngã hoặc người cứu đuối có thể bám vào để lên bờ. |
Vụ đuối nước xảy ra vào 13 giờ 45 phút, ngày 22-3 tại xóm Mới, xã Hà Châu (Phú Bình), khiến nhiều người không khỏi xót xa khi có 2 HS ở Trường THCS Hoàng Lương (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) tử vong. Các nạn nhân là cháu V.C.D (sinh năm 2009) và H.D.T (sinh năm 2010), cùng trú tại xóm Ninh Sơn, xã Hoàng Lương.
Theo chính quyền địa phương, vào khoảng thời gian trên, D. và T. cùng với bạn của mình là N.Đ.H rủ nhau ra sông Cầu, thuộc địa phận xóm Mới, xã Hà Châu, để tắm. Nhưng chỉ có D. và T. xuống tắm, còn H. đứng trên bờ. Sau một lúc không thấy D. và T., H. đã báo với mọi người. Xã Hà Châu ngay sau đó đã huy động lực lượng và phối hợp với lực lượng cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức tìm kiếm, nhưng 2 cháu đã không qua khỏi.
Hai ngày sau, tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên) lại tiếp tục xảy ra vụ đuối nước ở hồ Xuân Dương. Nạn nhân là cháu H.A.K (sinh năm 2012) và cháu H.T. (sinh năm 2014), là 2 anh em ruột. Các cháu là HS Trường Tiểu học Thành Công II.
Từ 2 vụ đuối nước thương tâm trên, có thể thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn phần lớn là do sự chủ quan, thiếu giám sát của người lớn để trẻ tự ý đến các khu vực ao, hồ, sông, suối… chơi, tắm.
Theo thống kê của Phòng Bảo trợ xã hội - trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), khoảng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 355 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, khiến 79 trẻ tử vong, trong số đó có 53 trẻ tử vong do đuối nước.
Để hạn chế các vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra, các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Chị Vũ Thị Lệ, Bí thư Huyện đoàn Phú Bình, thông tin: Là địa phương có tới 16/20 xã, thị trấn có sông Đào và sông Cầu chảy qua, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở đoàn cắm biển cảnh báo ở một số vị trí, khu vực nước sâu, nguy hiểm dọc sông Đào, sông Cầu và các hồ nước sâu ở xã Tân Khánh, Tân Kim, Tân Hòa… Đồng thời, Đoàn Thanh niên huyện cũng phối hợp với các nhà trường tổ chức ngoại khóa tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em thông qua những tiểu phẩm trực quan, sinh động, giúp các em nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc tắm sông, suối, ao, hồ… khi không có sự giám sát của người lớn.
Còn tại TP. Thái Nguyên, các nhà trường và một số cơ sở tư nhân đã đầu tư xây dựng, lắp đặt bể bơi để tạo sân chơi, dạy trẻ bơi và kỹ năng xử lý tình huống khi ở dưới nước.
TP. Sông Công, địa phương có tới 13,4km kênh Núi Cốc chảy qua các xã, phường: Tân Quang, Bách Quang, Lương Sơn... vào mỗi dịp hè cũng thường xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Chính vì thế, đoàn thanh niên ở các xã, phường đã có sáng kiến chế tạo “thang” cứu sinh làm từ những lốp xe nối vào nhau, rồi thả xuống kênh, giúp người không may bị ngã hoặc người cứu đuối có thể bám vào để lên bờ…
Các vụ tai nạn đuối nước thường xảy ra ở trẻ trên, dưới 10 tuổi vì đây là lứa tuổi hiếu động, thích nghịch nước và thích khám phá những nơi có nguồn nước nên dễ gặp nạn nếu người lớn không để ý. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến dịp HS được nghỉ hè, chính vì vậy, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành và nhà trường thì mỗi gia đình cần thường xuyên nhắc nhở con em mình không nên đến gần khu vực ao, hồ, sông, suối… để chơi đùa, tắm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin