Mượn hồ sơ để giao kết hợp đồng lao động: Nguy cơ rắc rối, thiệt thòi

Sơn Lâm 08:05, 07/04/2023

Do nhận thức chưa đầy đủ, hiện nay, một số người lao động (NLĐ) sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để đi làm hoặc ký hợp đồng lao động. Việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) của chính bản thân họ và gây phiền phức cho các cơ quan chức năng khi giải quyết các chế độ, chính sách.

Cán bộ Bộ phận Quản lý nhân sự và giải quyết chế độ BHXH cho người lao động tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG nêu ý kiến về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, ngày 28-3.
Cán bộ Bộ phận Quản lý nhân sự và giải quyết chế độ BHXH cho người lao động tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG nêu ý kiến về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, ngày 28-3.

Tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp mới diễn ra, do BHXH tỉnh đồng chủ trì với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, các doanh nghiệp đã phản ánh có vướng mắc trong việc giải quyết chế độ cho NLĐ, do mượn hồ sơ của người khác để đi làm. Trong đó có những trường hợp NLĐ đã làm việc được trên 20 năm, nay muốn nghỉ hưu, nhưng do mượn hồ sơ của người khác đi làm nên chưa thể giải quyết được chế độ. Theo thông tin chưa đầy đủ từ phía các doanh nghiệp, con số này khoảng 100 trường hợp.

Bà Vũ Thị Nga, Trưởng Phòng Quản lý thu sổ, thẻ BHXH tỉnh, thông tin: Do hoàn cảnh lịch sử để lại, trước đây, các cơ quan quản lý lao động, đơn vị sử dụng lao động chưa giám sát chặt chẽ nên đã để xảy ra tình trạng này. Hiện nay, những trường hợp NLĐ do mượn hồ sơ có nhu cầu hưởng các chế độ BHXH đều vướng mắc. Cơ quan BHXH đang phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục xin ý kiến của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để giải quyết.

Việc NLĐ mượn hồ sơ của người khác để ký kết hợp đồng lao động cũng là chủ đề tranh luận “nóng” tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp. Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, phát biểu: Những trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm quy tắc “trung thực” theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 của Bộ luật Lao động; vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 của Bộ luật Lao động, đây là trường hợp hợp đồng lao động có thể vô hiệu hóa toàn bộ.

Còn ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho rằng: Mặc dù việc mượn hồ sơ của người khác đi làm là lỗi của NLĐ, nhưng để giúp NLĐ đỡ bị thiệt thòi, tránh khỏi nguy cơ “mất trắng quyền lợi” cần sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Người sử dụng lao động, NLĐ, cơ quan quản lý lao động, cơ quan BHXH, Tòa án, Liên đoàn Lao động…

Bà Hà Thị Tuyết, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty Luật dịch vụ pháp lý 4.0, bày tỏ: Những trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động thực chất họ có tham gia quan hệ lao động, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này và tham gia đóng BHXH đầy đủ. Tuy nhiên, người đứng tên về mặt pháp lý lại không phải NLĐ mà là người được mượn danh. Để khắc phục những hạn chế và giải quyết được mối quan hệ lao động trên, quyền lợi của NLĐ trong trường hợp này cũng cần được pháp luật ghi nhận và bảo vệ họ.

Có thể thấy, việc NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động khiến NLĐ rất thiệt thòi nếu bị vô hiệu hóa hợp đồng. Đây cũng đang là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều NLĐ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước .

Đặc biệt, sau khi nhận được phản ánh của một số địa phương về việc NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH,  ngày 31/5/2022, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHXH Việt Nam đề nghị phối hợp giải quyết.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở lao động-thương binh và xã hội, cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền để NLĐ, người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động. Đồng thời, các cơ quan cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra kịp thời để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm...