Kết nối trực tuyến doanh nghiệp và người lao động

Phạm Ngọc Chuẩn 15:57, 31/03/2023

Từ 3 năm gần đây, sàn giao dịch việc làm trực tuyến đã trở nên quen thuộc với người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp. Ngoài các phiên giao dịch việc làm trực tuyến tổ chức hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (TB&XH) còn thực hiện kết nối cung - cầu lao động trực tuyến vào các ngày làm việc trong tuần. Nhờ đó, NLĐ giảm chi phí và không mất thời gian đi lại. Nhất là NLĐ ở vùng khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chia sẻ kinh nghiệm thực hiện kết nối giao dịch việc làm trực tuyến cho người lao động với doanh nghiệp.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chia sẻ kinh nghiệm thực hiện kết nối giao dịch việc làm trực tuyến cho người lao động với doanh nghiệp.

Anh Dương Văn Phong, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm người Mông Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), cho biết: Bằng chiếc điện thoại thông minh, người dân chúng tôi có thể kết nối, tìm việc qua mạng xã hội. Nhưng thông qua sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Sở Lao động - TB&XH, chúng tôi thấy yên tâm hơn, không sợ bị kẻ xấu lừa bán ra nước ngoài.

Còn chị Chị Đặng Thị Hoa, người dân tộc Dao ở xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương), chia sẻ: Giao dịch việc làm trực tuyến do cơ quan chức năng tỉnh tổ chức, chúng tôi tự tin hơn khi tìm việc.

Thông qua kết nối trực tuyến, NLĐ được cán bộ chuyên môn của Sở hướng dẫn tạo hồ sơ, cách tiếp cận nhà tuyển dụng nhanh nhất để được mời phỏng vấn. Doanh nghiệp được đăng tin cần tuyển dụng nhân lực miễn phí, đồng thời tiếp cận được với số đông NLĐ có nhu cầu đi làm việc, hoặc học nghề.

Thông tin vui là năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 24.500 NLĐ, đạt 163,7% kế hoạch, trong số đó có nhiều lao động tìm được việc làm mới thông qua hình thức trực tuyến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh), tâm đắc nói: Sàn giao dịch việc làm online được mở rộng liên kết với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, theo đó các doanh nghiệp và NLĐ trong, ngoài tỉnh có nhiều hơn cơ hội để lựa chọn.

Bằng các hình thức kết nối qua điện thoại, thư điện tử, Zalo; fanpage; website… bộ phận chuyên môn thuộc Sở đã chia sẻ cho doanh nghiệp và NLĐ những thông tin chính xác về thị trường lao động; về nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia thị trường lao động; nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và các chính sách pháp luật liên quan đến lợi ích của các bên tham gia thị trường lao động.

Ví như trong quý I, tỉnh Thái Nguyên đã có 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình và Tuyên Quang. Tổng 2 phiên thu hút hơn 200 lượt doanh nghiệp tham gia, với chỉ tiêu cần tuyển dụng hơn 75.000 NLĐ. Các ngành nghề cần tuyển dụng nhiều nhân lực là sản xuất linh kiện điện tử; may mặc; phụ tùng ô tô, dây dẫn điện, may mặc. Qua kết nối trực tuyến đã có hàng trăm NLĐ tìm được việc làm mới, trong đó nhiều trường hợp là người dân tộc thiểu số nghèo.

Khi được hỏi, đại diện nhà tuyển dụng lao động của Công ty TNHH H&S TECH (Bắc Ninh) cho biết: Chúng tôi cần tuyển dụng hơn 500 công nhân sản xuất linh kiện điện tử. Tham gia sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Sở, chúng tôi được tiếp cận với nhiều NLĐ Thái Nguyên. Đó là cơ hội tốt để chúng tôi giải quyết bài toán về nguồn nhân lực ngay trong những tháng đầu năm 2023.

Phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến là một cách làm phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội số, đồng thời là giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia thị trường lao động. Doanh nghiệp và NLĐ có nhiều hơn cơ hội lựa chọn, hợp tác, phát triển, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của tỉnh.