Coi trọng đào tạo nghề cho lao động nghèo

Phạm Ngọc Chuẩn 08:52, 04/04/2023

Xác định đào tạo nghề (ĐTN) cho người lao động (NLĐ) thuộc hộ nghèo, cận nghèo là một trong những giải pháp giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn coi trọng, tổ chức ĐTN cho NLĐ theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng và gắn với nhu cầu xã hội. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Giáo viên dạy nghề Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức hướng dẫn học viên thực hành trên máy tiện.
Giáo viên dạy nghề Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức hướng dẫn học viên thực hành trên máy tiện.

Thực tế minh chứng là sau tham gia ĐTN, tư duy làm kinh tế gia đình của NLĐ thay đổi, bà con mạnh dạn “bước qua” ranh giới lạc hậu, dám đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính vì thế mà NLĐ, nhất là NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có nhu cầu thực khi đăng ký tham gia các lớp ĐTN do cơ quan chức năng tổ chức.

Ví dụ như gia đình ông Miêu Văn Tân, người dân tộc Sán Dìu, ở xóm Táo, xã Sơn Cẩm (Phú Lương). Sau tham gia lớp ĐTN chăn nuôi thú y do Hội Nông dân xã tổ chức, ông mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa. Từ 3 năm gần đây, gia đình ông nuôi thường xuyên hơn 6.000 con gà/lứa, đạt sản lượng cả năm gần 50 tấn, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm.

Còn chị Hoàng Thị Tấu, người dân tộc Mông, xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), vì thiếu đất sản xuất nên lựa chọn học nghề may công nghiệp. Sau học nghề, chị được một công ty may tại huyện Võ Nhai nhận vào làm việc, với mức lương và thu nhập tăng thêm hơn 10 triệu đồng/tháng.

Anh Trần Văn Hiển, xóm Trường Giang, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên), thì việc được Nhà nước hỗ trợ cho học nghề chăn nuôi gia cầm, giúp gia đình anh thay đổi cách làm. Do làm chủ khoa học kỹ thuật, đàn vật nuôi của gia đình anh không lo bị dịch bệnh đe dọa.

Cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trên mô hình đo lường điện đa năng.
Cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trên mô hình đo lường điện đa năng.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên dạy nghề (Trung tâm Dạy nghề Thái Nguyên), cho biết: NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có đức tính cần cù, chịu khó, nhưng vì thiếu đất sản xuất, thiếu khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sử dụng vốn đầu tư, nên bà con loay hoay trong vòng luẩn quẩn khó nghèo. Nhưng sau tham gia lớp ĐTN, hầu hết bà con đã thay đổi tư duy làm kinh tế gia đình. Họ có cơ hội tìm được việc làm mới, hoặc tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, nhưng mang lại thu nhập cao hơn.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập, hoặc cho phép thành lập, bao gồm: 11 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 5 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở này chấp hành nghiêm túc công tác tuyển sinh và ĐTN đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện tuyển sinh gần 39.000 chỉ tiêu, đạt gần 103% kế hoạch cả năm. Về trình độ đào tạo: Hệ cao đẳng gần 2.300 người; trung cấp hơn 9.700 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên gần 27.000 người.

Trong tổng số học viên được chiêu sinh năm 2022, có gần 2.500 NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được Nhà nước hỗ trợ học nghề. Trong đó, ngân sách địa phương hỗ trợ cho gần 1.500 người; ngân sách Trung ương hỗ trợ cho gần 1.000 người.

Giai đoạn 10 năm trước, trong ĐTN cho lao động nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đã “ghi điểm” bằng việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Với tổng số 113 nghề được đào tạo, ở 2 nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, cả giai đoạn có hơn 45.500 lao động nông thôn được tuyển sinh đào tạo, trong đó hơn 19.400 lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp; hơn 27.300 lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Trong những năm này, Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ ĐTN cho người yếu thế với tổng kinh phí gần 212 tỷ đồng, bao gồm gần 3.700 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo; gần 18.000 lao động là người dân tộc thiểu số; hơn 2.300 trường hợp bị thu hồi đất; hơn 1.000 người khuyết tật, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực  nông - lâm - ngư  nghiệp; tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đưa Thái Nguyên vào danh sách những tỉnh không có huyện nghèo.