Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), mới đây Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh (Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam) đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới lên mức tối thiểu 30 ngày, thay vì từ 5 đến 14 ngày theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Đây được xem là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách bình đẳng giới. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn trước câu hỏi: Liệu đề xuất này có khả thi?
Ảnh minh họa. |
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường:
Cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện và cân nhắc kỹ lưỡng
Có ý kiến đề xuất tăng thời gian nghỉ của nam giới khi vợ sinh con (hiện đang quy định lao động nam được nghỉ từ 5 đến 14 ngày). Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, đánh giá toàn diện và cân nhắc kỹ lưỡng. Với việc bổ sung thêm nhiều quyền lợi trong chế độ ốm đau, thai sản của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trong những năm gần đây, cơ bản thu - chi của quỹ ốm đau và thai sản là cân bằng.
Do vậy, nếu đề xuất tiếp tục tăng thêm quyền lợi thì cũng phải tăng trách nhiệm đóng góp để bảo đảm khả năng cân đối của quỹ ốm đau và thai sản. Hiện nay, trách nhiệm đóng vào quỹ ốm đau và thai sản hoàn toàn thuộc về người sử dụng lao động, nếu thêm quyền lợi cho người lao động nghĩa là cũng phải tăng thêm trách nhiệm đóng góp của người sử dụng lao động, điều này không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Dự thảo luật giữ nguyên quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành về chế độ thai sản đối với nam giới.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông (Hà Nội) Đỗ Thị Minh Loan:
Chồng được nghỉ dài ngày sẽ chăm sóc vợ tốt hơn
Việt Nam là nước được xếp ở nhóm các quốc gia có khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới tốt trên thế giới. Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới lên tối thiểu 30 ngày là chính sách rất nhân văn. Nam giới đương nhiên cũng phải được nghỉ thai sản vì đứa trẻ là con chung của hai người. Khi vợ sinh con, sức còn yếu, chồng cũng vất vả do phải chăm sóc cả mẹ và con. Nhiều gia đình công nhân, viên chức không có người thân giúp đỡ, điều kiện kinh tế khó khăn, vợ sinh nở chỉ biết dựa vào chồng trong giai đoạn con còn ít tháng. Nếu người chồng phải nghỉ phép để chăm vợ hoặc vừa đi làm vừa tranh thủ chăm vợ, con thì khá vất vả. Do vậy, tôi ủng hộ đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới lên tối thiểu là 30 ngày. Đây là mức tăng không quá lớn, nằm trong khả năng thực thi của cơ quan quản lý. Hơn nữa, chồng được nghỉ dài ngày sẽ chăm sóc vợ, con tốt hơn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Xuyên (Hà Nội) Trương Thanh Hưng:
Khuyến khích lớp trẻ sinh con, có trách nhiệm với gia đình
Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới khi vợ sinh con thể hiện sự tiến bộ trong xây dựng chính sách. Việt Nam sắp bước vào giai đoạn dân số già, tỷ lệ sinh đẻ ngày càng giảm; người trẻ có xu hướng ngại đẻ, số lượng con sinh ra trong gia đình trẻ hiện đang giảm mạnh. Do vậy, tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới sẽ khuyến khích lớp trẻ sinh con, có trách nhiệm nhiều hơn với gia đình. Đề xuất này là cần thiết, đúng đắn, giúp nam giới có điều kiện để “toàn tâm toàn ý” chăm sóc người vợ cùng đứa trẻ mới ra đời. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thực hiện bình đẳng giới, là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Trách nhiệm với con cái giữa bố và mẹ là như nhau. Do vậy, đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới khi vợ sinh con là chính sách công bằng, thúc đẩy bình đẳng giới và tạo điều kiện cho nữ giới có thời gian chăm con tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh, nhân viên kỹ thuật may, Công ty TNHH May Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội):
Bảo đảm bình đẳng giới trong xã hội
Đặc thù của công nhân ngành dệt may là làm việc theo ca, thường xuyên tăng ca khi nhiều đơn hàng cần giao gấp. Do đó, quyết định sinh con đối với phụ nữ làm nghề dệt may thực sự là một vấn đề phải cân nhắc. Ngoài việc suốt thời gian mang bầu vẫn phải đáp ứng yêu cầu công việc, hạn chế tối đa việc nghỉ phép, chúng tôi còn phải chịu áp lực lớn về tài chính khi sinh con. Hầu hết công nhân dệt may đều có thu nhập không cao, nghỉ thai sản đồng nghĩa với việc khoản tiền làm thêm không còn, chi phí sinh hoạt tăng lên khi gia đình có thêm thành viên mới… Nhiều người không đủ điều kiện thuê giúp việc, phải cậy nhờ ông, bà hai bên nội ngoại.
Nếu thời gian nghỉ thai sản của chồng tăng lên, họ sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc vợ và con mới chào đời; giúp người chồng hiểu rõ hơn những vất vả của vợ khi sinh con; nâng cao trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình và tăng cường gắn kết tình cảm giữa các thành viên; giúp sản phụ có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Hiện nhiều ý kiến lo ngại nếu tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới lên quá nhiều so với luật hiện hành sẽ gây vỡ quỹ thai sản của bảo hiểm xã hội. Rất mong cơ quan quản lý sẽ có cách tính toán phù hợp để tăng dần thời gian nghỉ thai sản cho nam giới theo lộ trình, sao cho vừa cân đối nguồn chi trả của bảo hiểm xã hội, vừa bảo đảm bình đẳng giới trong xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin