Lá rụng về cội

Hữu Minh (TP. Thái Nguyên) 22:09, 24/07/2023

Sau nhiều năm trải nghiệm cuộc sống, tôi mới hiểu được thói quen ấy của bà ngoại tôi - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nghệ. Cũng như mỗi dịp lễ, Tết, thắp nén hương thơm nơi các liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, tôi mới hiểu thêm về cội nguồn và về bốn chữ “Lá rụng về cội” thiêng liêng, sâu sắc đến nhường nào…



Cụ Nguyễn Thị Nghệ - bà ngoại của tác giả - được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” tháng 5/2014.
Cụ Nguyễn Thị Nghệ - bà ngoại của tác giả - được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” tháng 5/2014.

Giữa đồng bằng phì nhiêu do phù sa của dòng sông Châu Giang và sông Hồng bồi đắp ở huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) nhô lên 2 ngọn núi cao, người đời đặt tên là Điệp Sơn và Đọi Sơn. Dưới chân núi Điệp có xóm Núi, gia đình bà ngoại tôi ở đó. 

Ông ngoại tôi tên Nguyễn Văn Tưởng (thường gọi Ký Tưởng), lúc trẻ đi làm công cho các đồn điền trên Thái Nguyên, được giác ngộ cách mạng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, theo sự phân công của tổ chức, ông về làng tham gia giành chính quyền, được giao làm đến Phó Chủ tịch chính quyền cách mạng xã Yên Nam.

Rồi ông lâm trọng bệnh và mất, để lại cho bà ngoại tôi đàn con 8 người và một không gian sống của gia đình cách mạng. Lúc bí mật, lúc công khai, gia đình bà ngoại tôi đều là cơ sở cách mạng, là nơi đi về, nương náu của nhiều cán bộ, đội viên đội du kích mà các cậu, các dì tôi đều là thành viên…

Thế rồi tiếp theo là các cuộc đưa tiễn, những chia ly và mất mát đến với bà ngoại. Nuôi con trưởng thành rồi đến các cháu cứ theo năm tháng và tiếng gọi của Tổ quốc lần lượt lên đường đánh giặc. Gian khổ, nhọc nhằn khiến lưng bà ngoại còng xuống, mắt mờ, chân chậm dần…

Cậu liền mẹ tôi tên là Nguyễn Bản Nguyên, nhập ngũ ngay sau Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 bùng nổ, để lại quê nhà người vợ trẻ vừa cưới, rồi cậu anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu chống giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn ngày 8/10/1947. 

Người con rể của bà ngoại tên Lê Đình Sĩ, quê mãi Thừa Thiên Huế, là bộ đội đóng quân tại xã, được bà ngoại gả dì kế mẹ tôi và mời ở cùng nhà, thời gian ngắn sau cũng hy sinh, để lại cho bà thằng cháu ngoại chưa tròn một tuổi.

Người con trai thứ ba của bà tên Nguyễn Mạnh Tăng là công an vũ trang, biền biệt tiễu phỉ nơi miền biên viễn. Còn người con trai thứ hai, cậu Nguyễn Trung Thứ của chúng tôi, kết thúc kháng chiến chống Pháp là sĩ quan trung cấp của Quân đội, chuyển về đóng quân tại Hà Nội. Cậu về quê lấy vợ, mợ chúng tôi là một thôn nữ cùng làng tên Nguyễn Thị Thiêm, trong mấy năm hòa bình tạm thời ấy đã sinh hạ 2 cháu nội cho bà tôi.

Một hôm, cậu Thứ đạp chiếc xe Thống Nhất về nhà, thì thào gì đó với bà, rồi cậu để chiếc xe đạp (là tài sản của cậu được phân phối do có quá trình chiến đấu) ở nhà và đi. Ít hôm sau bà ngoại khóc bảo: Cậu Thứ mày đi chiến trường rồi! Mợ Thiêm tôi có tiền sử bệnh tim, cậu đi một thời gian thì bệnh trở nặng. Tiền thuốc men chạy chữa lấy từ chiếc xe đạp của cậu để lại bán đi. Nhưng mợ cũng không qua được, để lại 2 cháu mồ côi mẹ, vắng cha là Nguyễn Trung Thủy và Nguyễn Kim Thanh cho bà ngoại nuôi…

Nhà bà tôi lợp ngói, có sân gạch, hướng Đông - Nam. Ngồi hè nhìn ra sân thì cổng vào nhà bên tay trái. Mỗi buổi sớm mai hoặc những đêm trăng lu, bà ngoại tôi lại trải chiếu xuống hè, mở cơi trầu rồi mang cối ra đâm, bỏm bẻm nhai, tay giã, mắt cứ đăm đắm nhìn ra cổng, ra một hướng duy nhất ấy (như tôi nói ở đầu bài viết, mãi sau này chúng tôi mới hiểu thói quen ấy). Thỉnh thoảng bà hát, hát rằng:

Ai qua dãy núi Điệp Sơn
Núi cao bao thước căm hờn bấy nhiêu
Ngày ngày cứ đến buổi chiều
Cây đa bốt Điệp Pháp treo bắn người…

Hay:

Đã mấy lần xuân trôi, trôi mãi
Mấy lần cô lái mỏi mòn trông…
Vắng bóng cô em từ độ ấy
Để buồn cho bao khách, khách sang sông…

Lũ trẻ chúng tôi thơ dại, có hiểu gì cho nỗi khắc khoải, đau đáu chờ con, đôi mắt khắc khoải nhìn ra cổng mỗi ngày của bà. Tôi chỉ nhớ câu bà hay ru các cháu vào những đêm khuya khoắt:  

À ời… à ơi! Lá vàng còn ở trên cây
Lá xanh vì nước, rụng ngày hay đêm
Rụng đâu thì hãy linh thiêng
Cội nguồn, ấy chốn thần tiên… ớ ơ con về…

Nhiều lần tôi nhìn và nghe bà hát mà thấy xa xót vô cùng!

***

Bà ngoại tôi rời cõi tạm ngày 10/3 âm lịch năm 1979, đem theo về nơi cực lạc cả những vấn vít nơi cõi trần chưa có lời giải… Thấu hiểu nỗi đau của mẹ, người con trai thứ ba của bà là cậu Nguyễn Mạnh Tăng, một sĩ quan công an cao cấp, sau một đời chinh chiến và lo việc nước, cũng đã có thời gian tìm kiếm thông tin về 2 liệt sĩ anh mình. 

Việc tìm thấy mộ phần sau 51 năm và đưa cậu Nguyễn Bản Nguyên, hy sinh tháng 10/1947, từ Bản Bó, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) về Hà Nam năm 1998 có lần tôi đã kể. Bây giờ xin kể về hành trình tìm nơi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ của liệt sĩ Nguyễn Trung Thứ.

Câu chuyện thế này:

Sau lần đi tìm được mộ anh cả Nguyễn Bản Nguyên ở Bắc Kạn, thấy vai trò của tâm linh quan trọng trong vấn đề này nên sau mấy năm lần tìm manh mối, tư liệu, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, cũng có được ít nhiều thông tin nhưng không đủ để làm nên kết quả cuối cùng, cậu Nguyễn Mạnh Tăng đã tìm đến Chương trình nghiên cứu, trắc nghiệm tìm mộ liệt sĩ thất lạc bằng khả năng ngoại cảm (thuộc UIA), ở số 286 Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội). 

Rồi công việc tìm kiếm phần mộ liệt sĩ Nguyễn Trung Thứ thành công viên mãn. Ngày 22/12/2000, cậu Nguyễn Mạnh Tăng đã viết một bản báo cáo tỷ mỉ gửi Ban chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu, trắc nghiệm tìm mộ liệt sĩ thất lạc bằng khả năng ngoại cảm, cũng là văn bản khẳng định và cảm ơn. Năm 2012, cậu Nguyễn Mạnh Tăng mất, bản phô-tô báo cáo trở thành báu vật của gia đình…

Trong bản báo cáo có đoạn: 

…6 tháng trước, tôi (Nguyễn Mạnh Tăng) đến 286 Thụy Khuê đăng ký xin hướng dẫn tìm mộ anh trai là liệt sĩ Nguyễn Trung Thứ, được hẹn đến làm việc là ngày 27/11/2000. Tôi đến đúng hẹn, nộp mấy giấy tờ theo yêu cầu: Bằng Tổ quốc ghi công, hy sinh ngày 27/7/1972. Giấy báo tử gia đình nhận được năm 1976… 10 giờ 30 phút ngày hôm sau (28/11/2000), tôi được ông Nguyễn Văn Liên hướng dẫn. Ông Liên cầm tờ phiếu của tôi, bỏ vào túi áo rồi bắt đầu: Hỏi: Tìm ai? Đáp: Anh trai. Hỏi: Họ gì? Đáp: Họ Nguyễn. Hỏi: Đã đi tìm 1 lần rồi? Đáp: Đúng. Hỏi: Tìm ở vùng nào? Đáp: Hướng Hóa, Quảng Trị. Hỏi: Hy sinh trước năm 1970? Đáp: Nghe nói năm 1968… Ông Liên tiếp: Liệt sĩ chống Mỹ, hy sinh trước năm 1970; có anh trai nhưng đã hy sinh. Liệt sĩ đã là cán bộ chỉ huy, có 2 con 1 trai, 1 gái. Bị thương 2 lần, 1 lần vào má, sứt răng và 1 lần vào đùi… Tôi đều thấy đúng và trả lời là đúng.

Sang phần hướng dẫn, ông Liên nói: Nơi Nguyễn Trung Thứ hy sinh thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Đến trụ sở xã Hải Lệ đi bộ chừng 3 giờ, đến gần khu vực động Ông Do, tìm đến đồi 500 tại nơi Trạm xá 75 đóng ngày trước. Sau đồi 500 có quả đồi thấp, có khe nước chảy vòng, đầu dưới có khe cụt, phía đông - nam còn 2 ngôi mộ, 1 quê Hà Nam, 1 quê Hà Bắc. Ông Liên còn nói rõ đặc điểm mộ, cần đến gặp chính quyền, những người sẽ được xã cử giúp đỡ...

Sau 32 năm nằm lại nơi chiến trường xưa, ngày 15/12/2000, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trung Thứ đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quê hương - xã Yên Nam, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam). 
Sau 32 năm nằm lại nơi chiến trường xưa, ngày 15/12/2000, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trung Thứ đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quê hương - xã Yên Nam, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam). 

Ngày 4/12/2000, đoàn đi Hải Lăng tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trung Thứ gồm: Nguyễn Mạnh Tăng, em trai; Nguyễn Kim Thanh, con gái; Phan Quang Đông, cháu liệt sĩ. Chiều 11/12/2000, qua trao đổi bằng điện thoại, ông Liên đã giúp cho gia đình hoàn tất việc tìm và cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trung Thứ. Qua điện thoại, ông Liên nhắc: 16 giờ 40 phút, đã tìm thấy, lấy xong, đưa về thờ ở cái lán con, trước mặt cái lán đang ở là nền Trạm xá 75. Bọc hài cốt trong vải đỏ, thắp ngọn nến bên phải chỗ để hài cốt…

9 giờ 15 phút ngày 15/12/2000, gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trung Thứ về đến Nghĩa trang liệt sĩ quê hương - xã Yên Nam, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) trong nghi lễ trọng thể và vô cùng xúc động. Cậu Nguyễn Mạnh Tăng cũng đã làm báo cáo (như tôi nói phần trên) và có lời cảm ơn các cơ quan, đơn vị đã giúp gia đình hoàn thành ước nguyện của những bà mẹ như Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nghệ - bà ngoại của tôi…

Do nghề nghiệp, tôi nhiều lần đi Quảng Trị, đến xã Hải Lệ, Hải Lăng và nhiều địa danh khác để viết về mảnh đất kiên trung, anh hùng, cũng là cách nhắc nhớ về những tấm gương chiến đấu, hy sinh của lớp lớp cha ông và phản ánh về công cuộc đổi mới hôm nay trên mảnh đất này.