Bất cứ ai đều cần điểm tựa an sinh ở mọi giai đoạn, lứa tuổi, đồng nghĩa, trục “đường ray” an sinh cần chạy xuyên suốt trong hành trình cuộc sống của mỗi người. Vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai các giải pháp nhằm đưa những người tạm “dừng chân” trên lộ trình an sinh trở lại hệ thống.
Giải pháp sớm đưa người lao động trở lại hệ thống an sinh là bảo đảm đời sống, việc làm bền vững và giúp họ yên tâm gắn bó với công việc. Ảnh: Nhật Nam |
Nhiều người tạm “dừng chân”
Trục “đường ray” có vai trò trung tâm và xuyên suốt của hệ thống an sinh là bảo hiểm xã hội cùng các chính sách liên quan. Tiếc rằng, do nhiều nguyên nhân, nước ta vẫn còn nhiều người đang ở bên ngoài hoặc tạm “dừng chân” trên những chặng đường nhằm tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Đó là những người rút bảo hiểm xã hội một lần, chưa trở lại hệ thống. Đối tượng khác là những người lao động bị “treo” sổ bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài; người đã đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, nhưng chưa đủ tuổi để nhận lương hưu nên tạm thời “gác” sổ…
Về số người rút bảo hiểm xã hội một lần, thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, riêng giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu người hưởng chế độ, nhưng mới có khoảng 1,3 triệu người trở lại hệ thống. Số đông còn lại tiếp tục “dừng chân”, nếu không sớm trở lại, đồng nghĩa họ rời khỏi hệ thống và mất đi những điểm tựa an sinh. Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường nhận định, dù theo hướng nào, thì việc rút bảo hiểm xã hội một lần đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống an sinh xã hội.
Các cơ quan chức năng ghi nhận cả nước có khoảng 200.000 người lao động bị “treo” sổ bảo hiểm xã hội do đơn vị nơi họ làm việc đã phá sản, giải thể, dừng hoạt động. Đa số họ không được hưởng các quyền lợi liên quan trong thời gian khá dài. “Có những người lao động không chốt được sổ bảo hiểm xã hội ở đơn vị cũ để tiếp tục tham gia ở đơn vị mới, có những người không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn rủi ro, phải tiêu tốn nhiều tiền điều trị mà không được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, thiệt thòi trăm bề”, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng phản ánh.
Cần quan tâm hơn là nhóm đối tượng “gác” sổ bảo hiểm xã hội chờ đến tuổi nghỉ hưu. Hiện chưa có con số chính xác được công bố, nhưng đa số họ là lao động phổ thông, từ 40 tuổi trở lên, bị mất việc làm và khó tiếp cận với cơ hội việc làm mới để kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Thực trạng này đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết, đó là, khi đủ điều kiện nhận lương hưu, thì mức lương của họ khá thấp do thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn. Còn với những người không thể chờ lâu và lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng nghĩa họ tiêu trước khoản tích lũy cho tuổi già. Cứ như vậy, bài toán lương hưu và mức sống của người nghỉ hưu hay việc ngăn đà rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn khó tìm lời giải.
Những giải pháp đưa người lao động trở lại
Trước những bất cập thấy rõ, các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp đưa những người lao động tạm thời “dừng chân” trên chặng đường tiếp cận, thụ hưởng an sinh sớm trở lại hệ thống.
Giải pháp trước mắt là các bộ, ngành, địa phương quan tâm bảo đảm đời sống, việc làm bền vững cho người lao động, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc, tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài. Đáng chú ý, trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét xây dựng chế độ phụ cấp cho con cái của người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội mà gặp khó khăn về việc làm.
Giải pháp lâu dài mà các cơ quan chức năng hướng tới là nới lỏng điều kiện thụ hưởng, tăng sức hấp dẫn của chế độ hưu trí. Theo đó, đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu còn 15 năm (hiện nay là 20 năm) tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được đa số ý kiến đồng thuận. Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ cho biết, nếu những đề xuất mới về chính sách hưu trí đi vào thực tế, nước ta sẽ có thêm hàng triệu người cao tuổi có điểm tựa an sinh trong tương lai gần.
Ngoài việc nới lỏng, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân, người lao động thụ hưởng các chính sách an sinh, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng đề xuất bổ sung những quy định chặt chẽ hơn về rút bảo hiểm xã hội một lần; xử lý nghiêm hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Điều này góp phần tạo hành lang pháp lý vừa thông thoáng, vừa nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, hạn chế tình trạng họ phải tạm “dừng chân” trên lộ trình an sinh do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin