Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu giảm 3.365 hộ nghèo, 1.346 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Để đạt được kết quả này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh quyết liệt vào cuộc, chú trọng xây dựng những mô hình giảm nghèo bền vững để từng bước nhân ra diện rộng.
Từ mô hình chăn nuôi trang trại, gia đình ông Vũ Văn Quang (bên trái), xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đạt thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. |
Kết quả giảm nghèo đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 26.869 hộ nghèo và cận nghèo, giảm gần 10.000 hộ nghèo và cận nghèo so với năm 2021. Thành quả giảm nghèo được làm nên từ việc các cấp, ngành chức năng của tỉnh quyết liệt vào cuộc, từng bước “hạ thấp độ cao” về tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo. Theo đó là số hộ có kinh tế khá và giàu tăng nhanh.
Chuyện xóa giảm nghèo, ông Hoàng Văn Thế, xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá (Võ Nhai), phấn chấn: Gần 5 năm trước, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đầu tư chăn nuôi bò thương phẩm. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi thú y, nên công việc chăn nuôi thuận lợi, lãi bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện, gia đình đã trả hết nợ, vốn của nhà bây giờ là 15 con bò thương phẩm.
Cùng ở huyện Võ Nhai, bà Dương Thị Vinh, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, kể: Từ việc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do địa phương tổ chức; rồi được vay 50 triệu đồng vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình tôi tập trung đầu tư chăn nuôi gia súc. Sau 3 năm trả hết vốn vay ngân hàng, không chỉ thoát nghèo, gia đình tôi còn được Hội Nông dân xã công nhận là hộ làm kinh tế giỏi.
Bằng cách trao cho người dân “chiếc cần câu”, như: Hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề và chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời xây dựng mô hình xóa giảm nghèo bền vững để từ đó lan tỏa ra diện rộng, nhiều hộ nghèo, cận nghèo được nâng cao năng lực sản xuất, thay đổi tư duy, tự trọng vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nhiều năm gần đây, “rào cản” lớn nhất đối với hộ nghèo trong phát triển kinh tế gia đình là tiền vốn đầu tư và khoa học kỹ thuật. Nhưng “rào cản” này đã được tỉnh tháo gỡ bài bản thông qua việc huy động các cấp, ngành cùng vào cuộc.
Điển hình là Hội Nông dân có phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi; Hội Phụ nữ có phong trào giúp nhau xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu; Hội Cựu chiến binh có phong trào giúp nhau làm kinh tế giỏi…
Các phong trào đã khuyến khích, tạo động lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo quyết tâm vươn lên, thay đổi cuộc sống gia đình thông qua xây dựng mô hình kinh tế. Chính vì thế, hằng năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt trong công tác giàm nghèo, tỉnh chủ trương hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
Liên quan đến công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, bình quân trên toàn tỉnh có gần 25.000 người được giải quyết việc làm mới/năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 40.000 người/năm, trong đó có gần 3.000 người là lao động nông thôn.
Đặc biệt ngay trong tháng 1-2023, Tuần cao điểm Tết vì người nghèo, toàn tỉnh đã huy động được 25,4 tỷ đồng cho Quỹ Giảm nghèo của tỉnh; đồng thời huy động được gần 39 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất ổn định cuộc sống.
Hầu hết những hộ nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế, chủ yếu là mô hình chăn nuôi, mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng, buôn bán nhỏ hoặc tham gia một số dịch vụ khác như sửa chữa máy nông cụ, xây dựng… đã nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Điệp, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường (Định Hóa); gia đình ông Vũ Văn Quang, xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ); gia đình ông Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương)... là những tấm gương vượt khó, làm giàu. Họ đã khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, bằng sự tích lũy vốn và đức tính cần cù chịu khó, họ không chỉ thoát nghèo, mà trở thành hộ làm kinh tế giỏi.
Cùng thời gian, mô hình giảm nghèo bền vững ngày càng xuất hiện nhiều trên những vùng đất khó. Riêng Hội Nông dân tỉnh có khoảng 40.000 lượt gia đình hội viên được bình xét là gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi trong thời gian 5 năm gần đây…
Điều đó minh chứng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh triển khai đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ngày càng lan tỏa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin