Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là bà con ở vùng nông thôn, miền núi, nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng Internet. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Ba Họ hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng một số ứng dụng số của tỉnh. |
Với sự hướng dẫn của Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), chị Triệu Thị Tỵ, người dân tộc Dao, ở xóm Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương), đã sử dụng điện thoại thông minh để vào mạng Internet đọc báo, tìm hiểu kiến thức. Chị cũng thực hiện thành thạo những ứng dụng chuyển đổi số của tỉnh, như cài đặt định danh điện tử và các giao dịch hành chính. Chị Tỵ chia sẻ: Ngoài tự tìm kiếm thông tin, qua các nhóm zalo của địa phương, tôi đã cập nhật kịp thời các văn bản, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và tin tức, hoạt động của xóm, xã...
Ở xóm Ba Họ, nơi có 100% người dân là đồng bào dân tộc Dao, lại nằm xa trung tâm, việc được cung cấp Internet cáp quang băng thông rộng, phủ sóng viễn thông 4G có ý nghĩa quan trọng giúp bà con "rút ngắn khoảng cách" với các khu vực lân cận.
Ông Hoàng Xuân Thăng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ xóm Ba Họ, cho hay: Các thành viên Tổ CNSCĐ đã đến từng nhà, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu được tiện ích, ý nghĩa của việc chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, khai thác, sử dụng những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại.
Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con tiếp cận các thông tin trên Internet, thời gian qua, các đơn vị viễn thông đã tích cực triển khai phủ sóng di động, cáp quang Internet trên địa bàn tỉnh.
Các hộ gia đình trên địa bàn xã La Bằng (Đại Từ) đều được kết nối mạng Internet, phục vụ tốt cho sinh hoạt và học tập. |
Đến nay, 100% xóm trong toàn tỉnh đã được kết nối Internet băng thông rộng; toàn tỉnh có 1.800 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS), cung cấp dịch vụ điện thoại di động, tin nhắn và truy cập Internet cho gần 1,76 triệu thuê bao. Nhờ đó, vùng phủ và tín hiệu sóng di động ổn định, tỷ lệ người dân dùng điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 95%, tỷ lệ người dùng Internet đạt 86% dân số...
Trên cơ sở hạ tầng Internet ngày càng được mở rộng, 2.254 tổ CNSCĐ, với gần 15.000 thành viên đã đến tận nhà văn hóa xóm, tổ dân phố và các hộ gia đình để hỗ trợ người dân tiếp cận với Internet, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và đời sống, cụ thể như cài đặt các ứng dụng định danh điện tử; bảo hiểm xã hội; sổ sức khỏe điện tử; tài khoản mobile money; thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Với những nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành và đặc biệt là các thành viên tổ CNSCĐ, Thái Nguyên đang tự tin hướng đến việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 70% số dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để thực hiện mục tiêu này, Sở Thông tin và Truyền thông đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông di động; hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tổ CNSCĐ để hỗ trợ người dân cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin