Mặc dù chiêu thức lừa đảo gọi điện thông báo trúng thưởng, được tặng quà tri ân miễn phí đã được nhiều phương tiện truyền thông và cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn có một số người chưa biết đến hoặc thiếu cảnh giác nên “mắc bẫy”, với số tiền bị mất lên đến vài trăm triệu đồng.
Tin nhắn của đối tượng lừa đảo đề nghị nạn nhân cung cấp thông tin nhận quà và hướng dẫn cài đặt app Telegram. |
Mới đây, đang trong giờ làm việc, tôi nhận được 1 cuộc điện thoại từ số máy lạ có đầu số 0325... với tên hiển thị là CONGTYTANLOC. Người gọi tự xưng là nhân viên của một trung tâm siêu thị điện máy, gọi điện để thông báo tôi được tặng một phần quà tri ân do trước đó đã từng mua các đồ gia dụng điện tử tại hệ thống của siêu thị.
Để nhận được phần quà này, tôi chỉ cần kết bạn qua Zalo với một người là nhân viên của siêu thị và cung cấp địa chỉ nhận hàng, ngoài ra không phải trả bất kỳ chi phí nào. Dù đã biết đây là một hình thức lừa đảo nhưng để “trải nghiệm”, tôi bắt đầu làm theo hướng dẫn.
Sau khi kết nối với “nhân viên” siêu thị qua tin nhắn Zalo, tôi được người này gửi cho 1 danh sách quà tặng với nhiều phần quà giá trị như lò vi sóng, bàn là, máy lau nhà... để lựa chọn. Khi chọn xong quà, “nhân viên” tiếp tục đề nghị tôi tải App Telegram về điện thoại để đăng ký thông tin làm phiếu nhận quà. Thấy tôi từ chối làm theo, nhân viên này đã nhắn tin với nhiều câu từ đánh vào tâm lý thích nhận quà miễn phí để thuyết phục “khách hàng”.
Tương tự chiêu thức tặng quà tri ân miễn phí như trên, ngày 4/11/2023, trên mạng xã hội Facebook, một phụ nữ có nick H.N ở huyện Đại Từ đã chia sẻ bài viết kèm theo nhiều hình ảnh để cảnh báo mọi người sau khi chị này bị lừa mất hơn 300 triệu đồng. Theo chia sẻ của tác giả bài viết, sau khi gửi thông tin địa chỉ nhà và tải App Telegram để nhận mã nhận quà, ngay ngày hôm sau, chị đã nhận được đúng phần quà mình chọn mà không phải thanh toán bất kỳ chi phí nào. Tiếp đó, chị được mời vào một nhóm trong Telegram để tiếp tục có cơ hội nhận quà miễn phí với trị giá lớn hơn như: Ghế mát xa, máy rửa bát, tủ lạnh...
Nhóm này có hơn 100 thành viên, họ khoe rất nhiều quà tặng đã được nhận và tiền thưởng khi chơi mini game được tổ chức trong nhóm. Để nhận được phần quà tiếp theo, người “đại diện” công ty đề nghị chị và các thành viên trong nhóm chuyển tiền để giúp công ty hoàn thành nhiệm vụ tăng doanh số và số tiền này sẽ được chuyển lại ngay sau 3-5 phút kèm theo lãi suất.
Lệnh chuyển tiền lúc đầu là vài trăm nghìn đồng, chị được “công ty” hoàn trả đầy đủ kèm theo lãi nên thêm phần tin tưởng. Tiếp tục chơi cho đến khi thực hiện xong lệnh chuyển với số tiền gần 2 triệu đồng thì người đại diện công ty yêu cầu chị phải hoàn thành 3 nhiệm vụ chuyển tiền nữa mới nhận được tất cả số tiền đã chuyển.
Do tiếc số tiền 2 triệu đồng nên chị đã đi vay người quen để thực hiện các lệnh chuyển tiền tiếp theo với số tiền lần lượt là 6 triệu 999 nghìn đồng, 21 triệu 999 nghìn đồng và 89 triệu 999 nghìn đồng.
Sau khi thực hiện các lệnh chuyển tiền xong, chị lại nhận được thông báo bên phía “công ty” là do chị chuyển sai nội dung ghi trên giao dịch và quá thời gian làm “nhiệm vụ”... nên phải thực hiện thêm các lệnh chuyển tiền tiếp theo. Cứ như vậy cho đến khi đã chuyển tổng số tiền hơn 300 triệu đồng mà vẫn không nhận lại được tiền thì chị dừng lại, chấp nhận mất số tiền đã chuyển. Tất cả quá trình trên đều diễn ra theo hình thức online qua mạng Zalo.
Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, bài viết của nick H.N thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận chỉ trong thời gian ngắn. Tại phần bình luận của bài viết, có rất nhiều nick cho biết họ đã từng bị các đối tượng xấu dùng chiêu trò này để lừa đảo và cũng có người đã phải mất tiền “học phí” khi tò mò làm theo hướng dẫn.
Nguyên nhân khiến họ dễ dàng “sụp bẫy” lừa đảo là do đối tượng lừa đảo tư vấn rất “hợp tình, hợp lý”, hướng dẫn cặn kẽ, thậm chí có trường hợp các đối tượng còn nắm được thông tin cá nhân, lịch sử mua hàng của nạn nhân nên dễ tạo được lòng tin. Nếu người nhận không tinh ý thì rất dễ bị các đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, đưa vào tròng.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các thủ đoạn lừa đảo như trên tuy không mới nhưng do biết cách biến hóa, đánh vào tâm lý của nạn nhân nên các đối tượng lừa đảo dễ dàng qua mặt nhiều người. Do đó, người dân cần trang bị những kiến thức, cập nhật thông tin, chia sẻ những bài học, những cảnh báo từ ngành chức năng để luôn tỉnh táo trước các thủ đoạn lừa đảo được biến hóa ngày càng tinh vi.
Đặc biệt, khi thấy số điện thoại lạ gọi đến, người dân không nên nghe và làm theo hướng dẫn; không bấm vào đường link từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc gửi tới để tránh bị đánh cắp thông tin, mất tiền oan hoặc bị dẫn vào các nhóm kinh doanh bất hợp pháp; kịp thời báo cho các cơ quan chức năng nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin