Nhận diện đúng để tránh các chiêu thức lừa đảo qua mạng

Tùng Lâm 09:37, 27/05/2023

Trong thời đại 4.0, nhiều đối tượng đã lợi dụng công nghệ để lừa đảo người dân với các hình thức tinh vi. Bởi vậy, người dân cần có sự nhận diện đúng đắn các chiêu thức lừa đảo để tránh mất tiền “oan”.

Người dân cần nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội. (Ảnh minh họa)
Người dân cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Cách đây vài ngày, chị Nguyễn Hoa Ngần, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) nhận được cuộc gọi từ số máy 0768714983, thông báo hợp đồng điện của chị sẽ bị tạm ngừng trong vài ngày tới. Các đối tượng cũng đưa ra yêu cầu chuyển tiền để không bị cắt điện… Biết đây là một chiêu thức lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền của người dân nên chị Ngần đã ngắt máy.

Tương tự, anh Lê Văn Hùng, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) cũng liên tục nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại 0249999738902899981355 mời tham gia tìm hiểu đầu tư và xin được kết bạn qua Zalo để gửi tài liệu. Anh Hùng cho hay: Do đã được cảnh báo nếu kết bạn với những số điện thoại này dễ bị "hack nick", các đối tượng sẽ dùng tài khoản của mình để lừa đảo người thân, bạn bè chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng, nên tôi đã từ chối.

Theo phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, nhiều người đã nhận được các cuộc gọi yêu cầu nộp tiền “phạt nguội” do vi phạm Luật Giao thông đường bộ; nộp tiền điện, nước (dù gia đình đã đăng ký thanh toán qua tài khoản ngân hàng)… Đáng nói, các đối tượng lừa đảo trình bày rất thuyết phục nên nhiều người cả tin và vẫn bị lừa.

Đơn cử như trường hợp bà Đ.T.D, 73 tuổi, ở phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) đã tin tưởng gửi cho đối tượng lừa đảo 70 triệu đồng khi chúng thông báo bà trúng thưởng và phải đóng phí để nhận tiền thưởng. Ngay sau khi chúng nhận được tiền, số máy của đối tượng lừa đảo đã không còn liên lạc được nữa.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thái Nguyên, hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo qua mạng, cụ thể như: Đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan pháp luật gọi điện thoại yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn thông tin phần mềm rồi lấy thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản; lừa đảo cấp sim 4G nhằm chiếm đoạt số điện thoại và tài khoản ngân hàng; lừa đảo trúng thưởng; bẫy tình trên mạng xã hội... Hay như thủ đoạn tuyển cộng tác viên đặt đơn mua hàng trên mạng, nhận tiền phần trăm. Trong 1-2 lần đầu người dân sẽ được nhận tiền đúng như cam kết, tuy nhiên, đến đơn hàng lớn hơn sẽ bị lỗi, không nhận được tiền, muốn nhận lại tiền phải nộp thêm tiền để làm thủ tục chứng minh...

Ngoài ra, các đối tượng còn mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân nợ tiền, trục lợi Quỹ bảo hiêm xã hội và yêu cầu họ đóng phí rồi chiếm đoạt tiền. Nhiều đối tượng còn lừa đảo để người dân chuyển tiền làm từ thiện; cho số lô, số đề để đánh; "hack nick" Facebook, Zalo... rồi đăng nhập vào tài khoản cá nhân để nhắn tin cho bạn bè, người thân của nạn nhân hỏi mượn tiền. Gần đây nhất là tình trạng các đối tượng giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người nhà đang cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền ngay để thực hiện phẫu thuật. Hoặc là tình trạng lừa đảo bằng cách tìm người làm việc ở nhà với lợi nhuận cao, khi họ nạp số tiền lớn vào sàn thì không rút được tiền ra…

Cùng với đó, khi mua hàng trực tuyến, người dân cũng có thể bị mắc lừa, vì các đối tượng gửi link thanh toán trực tuyến, yêu cầu nạn nhân chuyển trước tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Thậm chí, nhiều đối tượng còn cố tình chuyển tiền nhầm để ép vay hay mạo danh công ty tài chính, cán bộ xử lý giao thông, cán bộ viễn thông… để lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của người dân. Cần lưu ý nhất chính là các đối tượng gọi điện thoại để "khủng bố", đòi nợ người vay là bạn bè, người thân của người được gọi điện…

Theo cơ quan công an, người dân cần nêu cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng; cần bình tĩnh, có sự kiểm chứng và thông tin cho lực lượng Công an nơi gần nhất khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin ở cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân, hội viên nắm bắt các chiêu thức lừa đảo qua mạng. Khi người dân nhận được cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo thì nhắn tin gửi vào tổng đài 156 của Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn xử lý theo quy định, đồng thời báo với cơ quan Công an nơi gần nhất.