Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Đầu tư tôn tạo xứng tầm

Phan Hữu Minh 08:46, 18/01/2024

Ngày 4/4/2019, Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và khánh thành bia Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được tổ chức tại xã Tân Thái (Đại Từ). Ngót 5 năm kể từ ngày ấy, hàng trăm đoàn báo chí và nhân dân đã hành hương về “địa chỉ đỏ” này. Chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, hôm nay (18/1/2024), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích với quy mô tương xứng với tầm vóc lịch sử.

Các đại biểu dự Lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (ngày 4/4/2019). Ảnh: T.L
Các đại biểu dự Lễ khánh thành bia Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (ngày 4/4/2019). Ảnh: Tư liệu

Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) do Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ đầu tư, bằng nguồn xã hội hóa. Di tích được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu; các hạng mục khác (nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ…). Dự án được khái toán khoảng 12 tỷ đồng.

Theo đại diện chủ đầu tư: Đây là một công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của báo chí cách mạng tại Việt Bắc, phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu hoàn thành Dự án kịp thời phục vụ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2025) và 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/2024).

Lần giở lại lịch sử: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập ngày 4/4/1949. Đây là nơi đầu tiên và duy nhất dạy làm báo trong thời kỳ kháng chiến ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, lớp học được mở với 42 học viên. Trong 3 tháng hoạt động, lớp học có 29 giảng viên trực tiếp giảng dạy, trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi... Các học viên được học nhiều chuyên đề như: Xã luận, viết tin chiến sự trên báo chí... Lớp học bế mạc ngày 6/7/1949.

Các nhà báo thăm Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: T.L
Các nhà báo thăm Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: T.L

Ngày 28/3/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Đồng chí Thuận Hữu, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, từng nhấn mạnh: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn, góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà trong suốt mấy chục năm qua...

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Bác Hồ đặt theo tên nhà báo cách mạng Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947). Bởi Cụ Huỳnh là “cây đa, cây đề” của báo chí cách mạng. Sau nhiều năm hoạt động cách mạng, năm 1927, Cụ làm chủ bút tờ Tiếng Dân. Hầu hết các bài xã luận trên tờ báo này đều do Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết, kích thích lòng yêu nước của độc giả. Báo chí lúc ấy bị thực dân Pháp kiểm duyệt gắt gao, có bài báo Cụ Huỳnh bị yêu cầu sửa theo ý người kiểm duyệt, Cụ khảng khái nói: “Hoặc là cho đăng nguyên văn, hoặc là bỏ, một chữ cũng không sửa”…

Trong cuộc đời làm báo của mình, Cụ Huỳnh xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”… Sau này, Cụ Huỳnh Thúc Kháng được Bác Hồ mời tham gia Chính phủ Liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau (năm 1946) và là Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt).

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ có lớp đầu tiên và duy nhất. Sau này, do điều kiện khó khăn nên không mở tiếp. Thời điểm mở lớp, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc diễn văn tại Lễ khai trường, trong đó nhấn mạnh: “Lớp mang tên Cụ Huỳnh Thúc Kháng bởi ngoài các phẩm chất của người yêu nước, là đức tính căn bản của một ký giả”.

Còn tại buổi bế mạc lớp học, Bác Hồ đã gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí và nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4 - Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”. Những lời dặn dò của Bác Hồ với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình cho mọi giáo trình dạy làm báo cho đến tận ngày nay...


Phối cảnh Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia
Phối cảnh Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Như chúng ta đều đã biết, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là An toàn khu tuyệt mật. Chính vì điều này nên ngoài những học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng còn nhớ được thì ít người biết đến lớp học này, ngay cả các giảng viên cũng được điều động đến giảng độc lập theo chủ đề. Từ năm 1975, việc đắp đập dâng nước của hồ Núi Cốc đã bắt đầu, 20 hộ dân xóm Bờ Rạ nằm ven dòng sông Công được chuyển đi, một dải đồi núi ở đây do nhân dân xóm Gốc Mít bảo vệ, canh tác. Vị trí của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng còn đó, nhưng tên xóm Bờ Rạ là kỷ niệm đẹp của một thời.           

Từ mái trường tranh tre nứa lá giữa đại ngàn Việt Bắc, các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, như: Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên, Mai Thanh Hải, Mai Hồ, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như… đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất. Không ít trong số họ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. 

Trên cơ sở những giá trị và ý nghĩa lịch sử của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, việc tu bổ, tôn tạo Di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, là “địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam.