Khi viết là phụ

Ngọc Thảo 11:40, 07/01/2024

Quá trình tác nghiệp tại cơ sở, chúng tôi rất buồn khi có những đồng nghiệp ở một số cơ quan báo, tạp chí đã có những màn mời gọi quảng cáo, thậm chí dọa dẫm cơ quan, tổ chức để đòi hỗ trợ kinh phí, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của những người làm báo chân chính. Đơn cử như trường hợp tại một trường mầm non trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Trong nhiều năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực, vinh dự được suy tôn là một trong những đơn vị điển hình của cấp học mầm non, được đề nghị tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Đây là thành tích rất đáng tự hào, nhưng lại "mang" nhiều phiền toái đến cho đơn vị.

Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng, cứ mấy hôm lại có một người tự nhận là ở báo này, tạp chí kia gọi điện hẹn đến làm việc, viết bài. Họ giới thiệu là đại diện của các cơ quan báo chí bộ, ngành Trung ương hoặc có văn phòng đại diện tại tỉnh.  

Khi liên hệ làm việc, thay vì tìm hiểu, khai thác thông tin để thực hiện bài viết nhằm tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến thì các nhà báo chỉ bàn đến việc nếu muốn đăng bài viết thì Nhà trường phải trả bao nhiêu tiền. Trong khi đó, Nhà trường không có nhu cầu được quảng cáo theo hình thức này và càng không có kinh phí để chi trả. Khi Nhà trường từ chối yêu cầu đăng bài phải trả kinh phí, có nhà báo đã tỏ thái độ không hài lòng và có ý dọa dẫm đơn vị.

Không chỉ riêng trường hợp vừa nêu trên, từ thực tế ở cở sở, chúng tôi nhận thấy, có nhiều trường học trên địa bàn tỉnh khi được cấp trên khen thưởng, vinh danh cũng “bị” các nhà báo “hỏi thăm” tới tấp. Việc “bị” các nhà báo mời gọi viết bài đăng báo phải trả kinh phí đã khiến cho các đơn vị bất an khi nhận được các khen thưởng. Bởi vì càng có thành tích, càng dễ bị “làm phiền”…

Điều đáng buồn nữa là việc phóng viên của một số cơ quan báo chí, tạp chí cấp bộ, ngành tìm đến các trường học để đề nghị viết bài đăng báo có trả kinh phí tuyên truyền còn xảy ra với các trường ở miền núi, vùng cao. Chúng tôi luôn đặt câu hỏi rằng, ở các địa bàn này, việc huy động xã hội hóa còn quá khó khăn; giáo viên và học sinh đang phải dạy và học trong điều kiện thiếu thốn, thì làm sao có thể bố trí kinh phí để chi trả cho các cơ quan báo chí? Có lẽ, đây chính là lý do khiến cho các nhà trường rất “ngại” tiếp đón, cung cấp thông tin cho các nhà báo.

Dẫu biết chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng những sự việc nêu trên đang ảnh hưởng đến việc tiếp cận cơ sở, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của những nhà báo chân chính.

Qua bài viết này, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ, chấn chỉnh, không để xảy ra tình trạng "hành" là chính, viết là phụ như vậy.