Hóa chất chế tạo pháo tràn lan trên chợ mạng

Nhị Hà 12:55, 03/01/2024

Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến càng phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Điều đáng lưu tâm là không khó để đặt mua hóa chất, dây cháy chậm và các vật liệu cần thiết khác phục vụ chế tạo pháo trên mạng Internet.

Các loại hóa chất để chế tạo pháo được giao bán công khai trên mạng xã hội.
Các loại hóa chất để chế tạo pháo được rao bán công khai trên mạng xã hội.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh liên tiếp phát hiện các vụ việc liên quan đến pháo tự chế, chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ví dụ như vụ việc 3 học sinh THCS cùng trú tại xã Lương Phú (Phú Bình) đặt mua hóa chất là bột Lưu huỳnh, Kali Clorat và Natri trên mạng để chế tạo pháo nổ với tổng trọng lượng trên 11kg.

Cùng trong tháng 12-2023, Công an xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) đã tuyên truyền, vận động một học sinh lớp 10, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn xã, giao nộp 18 quả pháo nổ tự chế; Công an TP. Thái Nguyên phát hiện, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Đạt, sinh năm 1999, hộ khẩu ở xóm Thịnh, xã Thịnh Đức, vận chuyển 6,9kg pháo dàn, pháo trứng và pháo tự chế.

Không khó mua hóa chất và vật liệu cần thiết để chế tạo pháo trên các sàn giao dịch điện tử và mạng xã hội. Trong khi đó, chỉ cần lên Goolge gõ từ khóa tìm kiếm cách làm pháo thì sẽ có hàng loạt kết quả được hiển thị, mô tả chi tiết những nguyên liệu cần có, công thức và các bước thực hiện.

Tại một nhóm công khai trên Facebook có tên “Buôn bán lẻ hóa chất, Kclo3, Lưu huỳnh, Natri, vỏ pháo - hạt star…” với hơn 1.000 thành viên, nhiều người rao bán hóa chất công khai và nhận làm vỏ pháo. Tài khoản có tên Văn Đức báo giá cụ thể: “Klco3 giá 110 nghìn đồng/kg; Natri 120 nghìn đồng/kg đã xay mịn; Lưu huỳnh 60 nghìn đồng/kg; nhũ nhôm 90 nghìn đồng/200gam).

Trao đổi trực tiếp qua tài khoản Zalo số điện thoại 0385.632.xxx của Đức, chúng tôi được hướng dẫn cụ thể cách đặt hàng, với thỏa thuận không cần đặt cọc và được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Khi bày tỏ lo ngại bị lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt khi mua hóa chất chế tạo pháo, Đức trả lời: Không cần phải lo vì các loại hóa chất để riêng thành từng túi, chứ không trộn lẫn vào nhau; đơn hàng gửi đi sẽ ghi là phân bón bổ sung kali, kích rễ, ra hoa các loại cây trồng.

Không chỉ trên mạng xã hội, nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... cũng có bán phổ biến các loại hóa chất làm pháo tự chế; cùng với đó là vỏ pháo và dây cháy chậm. Bột Kali Clorat, Lưu huỳnh, nhũ nhôm, than gỗ từ cây xoan… được giới thiệu là phân bón, giúp kích thích cây nở hoa, đâm chồi.

Những loại này được rao bán riêng lẻ hoặc theo “combo” với giá rất rẻ. Thực chất đây là hóa chất được bán theo đúng tỷ lệ để chế tạo pháo nổ. Dưới bài đăng bán sản phẩm, nhiều khách phản hồi: “Shop giao nhanh, hàng tốt, nổ to; anh em nên mua, làm theo công thức là Tết này lại vui vẻ”...

Pháp luật đã có quy định cụ thể về việc quản lý, mua bán chất nổ, nhưng thực tế vẫn còn bất cập dẫn tới việc người dân dễ dàng kinh doanh, mua bán nguyên liệu nguy hiểm, dễ cháy nổ, tiền chất chế tạo pháo. Công thức có sẵn trên mạng, cách làm đơn giản, nguyên liệu rẻ, dễ tìm,… khiến nhiều người, nhất là những thanh thiếu niên tò mò, ham vui nên tự chế pháo nổ tại nhà mà không nghĩ đến hậu quả. Không ít vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng liên quan đến pháo tự chế đã xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý việc mua bán các loại vật liệu có thể được sử dụng để làm pháo; xử lý triệt để thông tin xấu độc (như hướng dẫn chế tạo pháo) trên không gian mạng. Quan trọng hơn là cộng đồng, nhà trường, nhất là các gia đình cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, giám sát con em mình để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do việc tự chế tạo và sử dụng pháo nổ.