Các chính sách giảm nghèo của Nhà nước được tỉnh Thái Nguyên triển khai đồng bộ, đúng địa chỉ; số hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh, bền vững; diện mạo từ nông thôn đến thành thị thay đổi khang trang... Đó là kết quả của công tác giảm nghèo, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất giúp người dân xã Phú Đình (Định Hóa) đầu tư thâm canh, tạo vùng chè an toàn. Ảnh: T.L |
Mái ấm mang tên Đại đoàn kết
Bị bệnh tật quanh năm; thiếu sức lao động; thiếu vốn đầu tư cho sản xuất; thiếu đất canh tác; thiếu kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh…, đó là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó nghèo. Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm mang lại hiệu quả giảm nghèo cao nhất, trong đó có những mái ấm mang tên Đại đoàn kết.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phượng, ở xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên) xúc động: Gia đình tôi là hộ cận nghèo. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, đầu năm 2023 bất thình lình toàn bộ căn nhà cùng tài sản bị hỏa hoạn thiêu rụi. Trong tình cảnh hoang mang bỗng nhiên tay trắng, thì Ủy ban MTTQ TP. Phổ Yên cùng các nhà hảo tâm đã đến giúp đỡ gia đình tôi có một ngôi nhà chắc chắn…
Chuyện được ở trong ngôi nhà ấm cúng đầy nghĩa tình nhờ được cộng đồng xã hội quan tâm, bà Nguyễn Thị Chinh, ở xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng (Phú Lương) không giấu được xúc động: 3 mẹ con tôi mới dọn vào ở trong ngôi nhà Đại đoàn kết từ tháng 11-2023. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn với Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm và bà con chòm xóm.
Một ngôi nhà mới xây bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng: Cứng nền, cứng tường, cứng mái đã hiện thực hóa giấc mơ cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh. Cùng thời gian, những ngôi nhà mới sẽ tiếp tục được xây lên từ thơm thảo tình người. Ví như Hội Liên hiệp Phụ nữ có “Mái ấm tình thương”, Liên đoàn Lao động có “Mái ấm công đoàn”, Hội Cựu chiến binh có “Mái ấm đồng đội”… Và có những mái ấm của Chương trình “Thắp sáng ước mơ” được thực hiện từ nhiều năm nay.
Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ phối hợp với xã Hòa Bình tổ chức khánh thành, bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở xóm Phố Hích (cuối tháng 12-2023). Ảnh: T.L |
Cùng với đó, hàng tỷ đồng đã được huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và của mọi người trong cộng đồng xã hội gom lại, xây lên những ngôi nhà nặng nghĩa tình, đủ sưởi ấm những cảnh đời neo khó. Cuối tháng 10 năm nay, khi dọn vào ở trong ngôi nhà mới xây, bà Nguyễn Thị Bình, ở tổ dân phố Cử, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) bùi ngùi không cầm được nước mắt: Bản thân tôi sức khỏe yếu, không có việc làm ổn định, lại đơn thân nuôi con nên chưa bao giờ tôi mơ mình sẽ có một ngôi nhà ở chắc chắn như thế này. Nhưng bây giờ, mẹ con tôi đã có một chỗ ở thực sự là nhà.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - TB&XH: Trong thời gian 3 năm gần đây, trên toàn tỉnh có 1.874 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở, với tổng kinh phí hỗ trợ 108,7 tỷ đồng. Riêng năm 2023 có 820 hộ được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 45,5 tỷ đồng. Cùng với việc chăm lo hỗ trợ về nhà ở cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh, năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã đăng ký ủng hộ 2 tỷ đồng giúp đỡ tỉnh Điện Biên làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo. |
Tiếp sức cho hộ nghèo vượt khó
Nhìn gần chục con trâu, bò đang thở phì phì, đánh sừng vào gióng chuồng cồng cộc, anh Ngô Văn Lý, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) khoe: Trước đây, nhiều người dân trong vùng bảo gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo “bền vững”. Nhưng gần 5 năm trước, nhờ được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã vay mượn thêm để đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Vừa nuôi vỗ béo, vừa nuôi sinh sản, đến nay tôi đã trả hết nợ. Toàn bộ số trâu, bò trong chuồng trị giá hàng trăm triệu đồng bây giờ là vốn liếng của gia đình tôi.
Gia đình anh Ngô Văn Lý, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đã thoát được nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi trâu, bò. |
Cũng từ 50 triệu đồng tiền vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Vũ Thị Tú Hạnh, ở tổ dân phố Bến Vượng, phường Thắng Lợi (TP. Sông Công) đã đầu tư mua 3 con trâu nuôi vỗ béo. Chỉ hơn 1 năm sau gia đình bà đã có trâu bán, tiền sinh lời tiếp tục được đầu tư cho chăn nuôi gia súc. Đến cuối năm 2023, khi bình xét, gia đình bà được xóa tên trong danh sách hộ nghèo của địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - TB&XH: Để việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững phát huy được hiệu quả, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - TB&XH đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch phân bổ kinh phí, phân loại hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Thông qua các chương trình, dự án, toàn tỉnh đã hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng khó khăn, học sinh nghèo cả về vật chất và tinh thần.
Đặc biệt, triển khai “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2023”, Quỹ vì người nghèo của tỉnh đã huy động ủng hộ được hơn 38,7 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Ban quản lý Quỹ đã tổ chức hỗ trợ, trao tặng quà cho hơn 27.000 hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền trên 13,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo với tổng trị giá trên 7,2 tỷ đồng; tặng 150 chiếc xe đạp, 150 suất học bổng cho học sinh nghèo; tặng 10 sổ tiết kiệm, 150 sổ bảo hiểm xã hội, 374 thẻ bảo hiểm y tế, 91 chiếc ti vi, 6 bộ máy tính, hơn 12.000 áo ấm và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ cây giống, con giống... cho hộ nghèo với tổng trị giá hơn 18 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, toàn tỉnh có gần 40.000 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; gần 115.000 người ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả đã tiếp sức cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin