Chiều cuối năm, hương xuân tràn ngập trong nhà ngoài ngõ, tôi ngồi sửa soạn mấy món đồ ăn cho bữa cơm Tất niên. Vẫn là những món quà quê, nào miến Việt Cường, nào chè Tân Cương, còn kia là những trái na, bưởi thơm nức của Võ Nhai, Đại Từ…, nhưng giờ đây nông sản của Thái Nguyên đã ở một tầm cao mới. Không chỉ có mẫu mã đẹp, các sản phẩm đều được sản xuất đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã đạt OCOP từ 3 đến 5 sao.
Đóng gói sản phẩm tại HTX miến Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). |
Đong đầy yêu thương
Gần 1 năm xa nhà, khi được về đoàn tụ cùng gia đình đúng dịp Tết cổ truyền, cậu cả nhà tôi (hiện là du học sinh tại nước Úc) vô cùng hớn hở khi được ăn canh măng khô nấu với móng giò và miến nấu với lòng gà thơm nức. Cậu bảo: Chỉ có về Thái Nguyên, con mới được ăn những món ngon như thế này. Và chỉ có canh măng, miến mẹ nấu mới vừa miệng đến vậy…
Lâu ngày mới được thưởng thức món ăn quen thuộc, cậu cả ăn lấy ăn để, rồi "nhì nhèo" ngày mai, mẹ nhớ mua thêm mấy quả na để cậu thưởng thức vì lâu lắm rồi chưa được ăn món này. Giờ, người nông dân Võ Nhai đã thâm canh na rải vụ nên dịp Tết năm nay, cậu mới có cơ hội được ăn thứ quả thơm ngọt của quê nhà…
Có lẽ, những món quà quê không chỉ ăn sâu vào tâm thức của những người con Thái Nguyên xa xứ như cậu cả nhà tôi, mà nó còn trở nên quý giá với tất cả mọi người. Bao món quà quê ấy là kỷ niệm, là nỗi nhớ khôn nguôi, không chỉ đong đầy tình yêu thương của người đi xa mà trong đó còn chất chứa cả tâm huyết của người làm ra nó. Đó là món miến Việt Cường - Đồng Hỷ, luôn có trong mâm cơm của người dân Thái Nguyên những ngày Tết; là món măng nứa và mì - bún khô của huyện vùng cao Võ Nhai, hay ấm chè Tân Cương chát đầu lưỡi, ngọt nơi cổ họng…
Trong tâm thức của người con xa xứ, quà quê là kỷ niệm, còn trong nhận thức của người dân Thái Nguyên, nông sản của các làng quê nay đã trở thành đặc sản. Chính việc xây dựng thương hiệu cho nông sản thành công, đặc biệt là việc quản lý chặt chẽ từ đầu vào cho đến đầu ra, để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã giúp quà quê của Thái Nguyên có cơ hội bay cao, bay xa, đến mọi miền của Tổ quốc và xuất ngoại thành công.
Quà quê ra phố, xuất ngoại
Ngày cuối năm, cầm gói chè Thái Nguyên trong tay, tôi chợt nhớ cách đây hơn 1 tháng, mình từng có thời gian du ngoạn ở phố cổ Hà Nội. Thật vui khi ở nhiều góc phố, trà Thái Nguyên được bày bán với mẫu mã vô cùng bắt mắt. Trên bao bì đều in rõ là sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao; số điện thoại của nhà sản xuất để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm…
Đã qua rồi cái thời quà quê chỉ bán ở chợ quê. Nay, nhiều nông sản của Thái Nguyên được sản xuất, chế biến theo quy trình an toàn, đóng gói mẫu mã đẹp, có thương hiệu và đã trở thành sản phẩm OCOP nên được bán trên các sàn giao dịch điện tử, trong siêu thị, trung tâm thương mại… và giá trị kinh tế thu được cao hơn trước rất nhiều.
Du khách trải nghiệm quy trình chế biến chè tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). |
Đơn cử như HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), nhờ nỗ lực liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư nâng công suất và quy trình chế biến sạch, sản phẩm chè đã đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có chè tôm nõn xếp hạng OCOP 5 sao cấp Quốc gia nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm chè của HTX đã được “phổ rộng” ở các tỉnh, thành trong cả nước với lượng tiêu thụ khá lớn, cho doanh thu trên dưới 50 tỷ đồng mỗi năm.
Tương tự, miến Việt Cường, thứ quà quê quen thuộc của người dân Thái Nguyên cũng đã có sự bứt phá mạnh mẽ kể từ khi HTX miến Việt Cường, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) đầu tư 26 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất an toàn, tự động, không phụ thuộc vào thời tiết cách đây khoảng 3 năm. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, miến Việt Cượng đã được công nhận là sản phẩm OCOP nên thị trường tiêu thụ rộng lớn, doanh thu đạt 40 tỷ đồng/năm...
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, cho biết: Thái Nguyên hiện có trên 170 sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 5 sao. Các sản phẩm này đã giúp tăng doanh thu cho người sản xuất, chế biến từ 20% trở lên so với trước đây. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh còn được dán tem truy xuất nguồn gốc, như: chè tôm nõn Hảo Đạt, trà dây thìa canh DK, miến Việt Cường, gạo, mì gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na...
Không chỉ được bán rộng rãi ở thị trường trong nước, những món quà quê Thái Nguyên ngày nào giờ đã được xuất ngoại. Miến Việt Cường đã được xuất khẩu sang Thái Lan và thị trường châu Âu; nõn măng nứa và mộc nhĩ khô của HTX chế biến nông sản Võ Nhai đã được công nhận OCOP 4 sao đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore, mỗi năm thu về gần 10 tỷ đồng…
Hẳn những người con Thái Nguyên xa xứ sẽ rất vui khi được thưởng thức hương vị quê nhà ngay ở vùng đất xa xôi. Mong rằng những thứ quà ấy sẽ tiếp tục vươn cao để người đi xa và người ở lại Thái Nguyên đều cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Hương Xuân đã tràn ngập ở ngoài kia và bao món quà quê của đất Thái lại theo những chuyến xe ra phố, vượt biển để đến với những khách hàng ở trời Tây...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin