Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2030 được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, một số cơ chế chưa đồng bộ kịp thời, khiến địa phương khó vận dụng chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng phát triển bền vững.
Cán bộ huyện Định Hóa kiểm tra hiệu quả đào tạo nghề chăn nuôi cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở xã Định Biên. |
Chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh với 10 dự án thành phần đặc thù, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; Phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Các địa phương được thụ hưởng tập trung tại Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Chương trình đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS-MN giảm từ 16% năm 2020 xuống còn dưới 3% hiện nay. Ước tính, toàn tỉnh đã có trên 53% số xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, vượt mục tiêu 50% trong giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Chương trình, cơ sở hạ tầng tại các xã vùng DTTS-MN được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội: 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,79% các xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% các xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các xã có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% các xã có trạm y tế, được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai Chương trình tại các địa phương vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2025 có giao nhiệm vụ cho các địa phương thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS-MN. Tuy nhiên, nội dung lại không quy định trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là đối tượng thực hiện của Tiểu dự án. Chính vì vậy, hầu như các nội dung của Dự án này đều phải dừng để chờ hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Điều này ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS-MN...
Điều 3, Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2025", quy định: Các xã thuộc khu vực III, II sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, II kể từ ngày có quyết định công nhận.
Điều này ảnh hưởng đến phương án phân bổ vốn đầu tư công cho các huyện, các xã thuộc khu vực III, II, khi địa bàn này vẫn cần nguồn lực đầu tư để hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, tại những địa phương này, các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, phát triển sản xuất bị ảnh hưởng do cần thời gian hỗ trợ liên tục và đủ dài để phát huy hiệu quả...
Để tháo gỡ các khó khăn trên, địa phương rất cần có sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo từ các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, các chính sách về đào tạo nhân lực và dạy nghề cho lao động DTTS-MN cần phù hợp với thực tế, mang tính bề vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin