Nhiều năm trở lại đây, phong trào hiến máu tình nguyện ở Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh thu được 26 nghìn đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 70%, tỷ lệ dân số hiến máu đạt 2,3%. Đặc biệt, đối tượng tham gia hiến máu ngày càng mở rộng, từ sinh viên, cán bộ, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước, nông dân tại vùng sâu, vùng xa hay công nhân tại các khu công nghiệp...
Nhân viên Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên hiến máu tình nguyện tại chương trình “Chung dòng máu Việt", đầu năm 2024”. |
Xã Yên Ninh (Phú Lương) là địa bàn miền núi, cách xa trung tâm huyện, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại có phong trào HMTN phát triển mạnh. Tại chương trình hiến máu “Lễ hội Xuân hồng năm 2023” do Ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện Phú Lương tổ chức, xã có 150 người đăng ký tham gia (cao thứ 2 toàn huyện); trong đó có lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và trưởng các đoàn thể, đơn vị của xã.
Đã 57 tuổi nhưng đồng chí Lâm Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh, vẫn hăng hái tham gia hiến máu. Đồng chí chia sẻ: Tôi đã 7 lần HMTN. Mỗi lần hiến máu là thêm một lần tôi được giúp đỡ người khác và cũng là để kiểm tra sức khỏe của mình. Hơn nữa, là người đứng đầu cấp ủy xã, tôi muốn làm gương để các cán bộ, công chức và người dân cùng tích cực tham gia phong trào này.
Không chỉ riêng ở Yên Ninh, những năm qua, phong trào HMTN được triển khai rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Ban Chỉ đạo HMTN tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: tuyên truyền, vận động HMTN trên các phương tiện truyền thông; phát triển các câu lạc bộ, đội, nhóm, gia đình HMTN; tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chữ thập đỏ, tình nguyện viên về kỹ năng vận động và chăm sóc người hiến máu; làm tốt công tác khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào HMTN…
Cùng với đó, hàng loạt chiến dịch, sự kiện lớn về hiến máu được tổ chức rộng khắp, diễn ra hằng năm, như: Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt”; Chiến dịch vận động HMTN dịp tết và Lễ hội Xuân hồng; Ngày “Toàn dân HMTN 7-4”, Ngày “Quốc tế Người hiến máu 14-6”, Chiến dịch “Những giọt máu hồng - Hè”...
Lực lượng tuyên truyền viên vận động, chăm sóc người HMTN cũng phát triển mạnh với 15 câu lạc bộ vận động HMTN, thu hút trên 2.500 tình nguyện viên hoạt động thường xuyên. Ban chỉ đạo vận động HMTN các cấp được kiện toàn, bổ sung hằng năm. Đến nay, 100% đơn vị cấp xã, huyện đều có ban chỉ đạo vận động HMTN.
Đông đảo cán bộ, hội viên nông dân đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện tại chương trình “Nông dân Thái Nguyên - Hiến máu cứu người”, tháng 6-2023. |
Ngày càng nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức chương trình hiến máu riêng hoặc thành lập câu lạc bộ hiến máu; tỷ lệ công chức, viên chức và nhân dân tham gia nâng lên đáng kể, qua đó cải thiện tình trạng phụ thuộc nguồn máu từ học sinh, sinh viên.
Nhờ vậy, phong trào HMTN tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh, trở thành nét đẹp văn hóa trong cộng đồng. Các chỉ tiêu về HMTN năm sau đều vượt so với năm trước. Riêng năm 2023, toàn tỉnh tổ chức được 60 đợt hiến máu, tiếp nhận được trên 28.560 đơn vị máu toàn phần (tăng 7.200 đơn vị so với năm 2022), giá trị hoạt động hiến máu đạt gần 15 tỷ đồng. Tỷ lệ người hiến máu thể tích từ 350ml trở lên, người hiến máu nhắc lại ngày càng tăng, chất lượng máu tiếp nhận cũng ngày càng tốt hơn.
Kết quả trên đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh và khu vực, đưa Thái Nguyên là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về hiến máu nhân đạo.
Bà Kiều Thị Thao, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh, cho biết: Điều đặc biệt trong công tác vận động HMTN trên địa bàn thời gian qua là đối tượng tham gia ngày càng mở rộng. Trước đây, người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay có mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo. Nhiều cụm dân cư, từng gia đình hay những người lao động bình dân cũng hưởng ứng tích cực phong trào vận động HMTN của phường, ngành đóng trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị đã có sự thay đổi về nhận thức, đánh giá cao tầm quan trọng, ý nghĩa của phong trào HMTN.
“Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, hoạt động HMTN không chỉ đem lại sự sống cho nhiều người mà còn tô thắm thêm truyền thống tương thân tương ái, mang đậm tình yêu thương, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam.
Năm 2024 đánh dấu 30 năm phong trào HMTN được phát động tại Việt Nam (24/1/1994), 24 năm Ngày toàn dân HMTN (7/4/2000). Với tinh thần đó, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh tiếp tục kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đủ điều kiện sức khỏe tích cực tham gia HMTN. Các đồng chí là lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị tiếp tục nêu gương, tạo điều kiện, khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, người dân tham gia HMTN, từ đó nhân lên nhiều nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin