Chỉ cần dừng xe, tắt máy là mỗi người có thể bước vào một không gian ẩm thực hấp dẫn tại các quán ăn vỉa hè, gánh hàng rong, xe đẩy bán thực phẩm... Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi đó là nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm (ATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đa số các hàng, quán vỉa hè, thức ăn không được che chắn, bảo quản cẩn thận, người bán không đeo găng tay, không dùng dụng cụ gắp, chủ yếu dùng tay trần. |
Tại Thái Nguyên, ở các khu vực trung tâm, đặc biệt là khu vực các trường đại học luôn thu hút đông đảo người ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, thường được ví như “thiên đường” cho các tín đồ ăn quán vỉa hè.
Đường Ga Đồng Quang là một trong những khu vực sầm uất của hàng, quán vỉa hè trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Tại đây, có khá nhiều món ăn đường phố phù hợp thị hiếu như: Thịt nướng, chả, giò, nem chua, chè, bánh cuốn... Không chỉ đa dạng, các món ăn còn có giá phù hợp nên vào các giờ tan ca, rất đông thực khách đến đây thưởng thức hoặc mua mang về.
Qua quan sát, đa số đồ ăn tại các quán ăn nơi đây đều không được che chắn, bảo quản cẩn thận, dễ nhiễm vi khuẩn, khói, bụi; người bán không đeo găng tay, không dùng dụng cụ gắp, chủ yếu dùng tay trần. Một số quán nhếch nhác khi không bố trí thùng đựng rác nên giấy ăn, thức ăn thừa vứt vương vãi; khu rửa bát không có vòi nước sạch, chỉ có một, hai thùng chứa nước... Thậm chí, ngay liền kề với khu tập kết rác thải sinh hoạt gần khu vực Ga Thái Nguyên vẫn có một quán bán đồ ăn đêm hoạt động. Em Phạm Tùng Linh, quê ở TP. Hà Giang, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Em cũng hơi lo ngại nhưng nhiều lần ăn các hàng quán ở đây cũng không thấy làm sao nên cũng còn chủ quan.
Theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn ATTP gồm: Đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải…
Thực tế, các quán ăn vỉa hè, gánh hàng rong, xe đẩy bán thực phẩm… hiện nay trên địa bàn tỉnh cơ bản không đáp ứng các tiêu chuẩn trên. Trong khi đó, công tác quản lý, xử phạt vi phạm ATTP gặp nhiều khó khăn, khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì người kinh doanh thực hiện nghiêm nhưng khi vắng lực lượng chức năng lại tái diễn vi phạm.
Theo ông Lý Văn Cảnh, Trưởng Phòng An toàn thực phẩm (Sở Y tế), thức ăn đường phố là những mối nguy hại khó lường. Đó có thể là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo quản đúng cách, chế biến theo tiêu chuẩn ATTP và dễ gây ngộ độc. Về lâu dài, thực phẩm không bảo đảm an toàn ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì.
Trên thực tế, mặc dù nhiều năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra nhưng thức ăn tại các hàng, quán vỉa hè được các cơ quan quản lý ghi nhận có nguy cơ rất cao gây mất ATTP. Hằng năm, quá các đợt thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, Thái Nguyên đã phát hiện hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm, trong đó tỷ lệ cao là các hàng, quán vỉa hè. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP gần 5 nghìn cơ sở, phát hiện 325 cơ sở vi phạm với các lỗi như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu; hàng bảo quản không bảo đảm ATTP, hàng hóa không niêm yết giá, sắp xếp không khoa học…
Theo ông Cảnh, để tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm thì bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, lựa chọn những điểm bán hàng thực phẩm uy tín, tránh sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn... Khi phát hiện hành vi vi phạm ATTP, người dân thông báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý kịp thời, không để ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin