Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đào tạo khoảng 1.100 học sinh, sinh viên của 2 nước bạn Lào và Campuchia. Qua đó góp phần thúc đẩy chương trình hợp tác về giáo dục - đào tạo và chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trên địa bàn tỉnh; đồng thời giúp các học sinh, sinh viên Lào, Campuchia yên tâm học tập, trở về quê hương công tác, cống hiến.
Giờ học tập, nghiên cứu của lưu học sinh Lào tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên. |
Xayyachack Mathmany là lưu học sinh Lào tại Việt Nam, chia sẻ: Tôi đến từ tỉnh Savannakhet, đang học tiếng Việt để chuẩn bị xét tuyển vào chuyên ngành đào tạo tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên. Đến đây, tôi được các thầy, cô giáo cùng các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam nhiệt tình giúp đỡ để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.
Còn lưu học sinh Nou Sreyrith đến từ Vương Quốc Campuchia cho hay: Việc hỗ trợ kinh phí đào tạo đã giúp gia đình tôi và các bạn lưu học sinh yên tâm học tập, hoàn thành tốt khóa học để trở về đóng góp, cống hiến cho nước nhà.
Chia sẻ của Xayyachack Mathmany và Nou Sreyrith cũng là tâm sự của hơn 360 lưu học sinh (gồm 241 lưu học sinh Lào và 122 lưu học sinh Campuchia) đang theo học tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên. Qua đó càng khẳng định thêm sự quyết đáp của các đại biểu đối với Nghị quyết quy định hỗ trợ kinh phí cho lưu học sinh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, là đúng đắn, phù hợp.
Theo ông Nguyễn Năng Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết góp phần khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho các lưu học sinh Lào, Campuchia tích cực học tập, nâng cao kiến thức. Đây là nội dung quan trọng nhằm tạo cơ sở trong triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách tỉnh cho lưu học sinh Lào, Campuchia. Đồng thời góp phần tăng cường hợp tác đào tạo và vun đắp tình hữu nghị, củng cố mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Lào, Campuchia cũng như mối quan hệ giữa tỉnh Thái Nguyên với nước bạn.
Nghị quyết quy định cụ thể chế độ hỗ trợ kinh phí cho sinh viên Lào, Campuchia tham gia chương trình đào tạo dài hạn để thi tuyển hoặc xét tuyển vào hệ cao đẳng tại các cơ sở đào tạo trực thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, có ngành nghề, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu đào tạo, học tập của lưu học sinh hai nước.
Chính sách đã được thực hiện từ nhiều năm nay, với trên 100 lưu học sinh được hỗ trợ hằng năm. Riêng năm 2024 có 144 lưu học sinh được hỗ trợ (trong đó 70 lưu học sinh Lào và 74 lưu học sinh Campuchia).
Các lưu học sinh Lào tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên tích cực tham gia hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ. |
Theo đó, mỗi lưu học sinh, sinh viên Lào, Campuchia theo học chương trình đào tạo dài hạn hệ cao đẳng (bao gồm cả khóa học dự bị tiếng Việt để thi tuyển hoặc xét tuyển vào hệ này) tại các cơ sở đào tạo trực thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên (chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng của Chính phủ Việt Nam, các địa phương và cơ quan, tổ chức khác của Việt Nam từ ngân sách Nhà nước), được hỗ trợ kinh phí trong 1 khóa học.
Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cơ sở đào tạo: 3,1 triệu đồng/người/tháng, do cơ sở đào tạo lập dự toán, thanh quyết toán theo quy định; thời gian hỗ trợ theo tháng học thực tế, không vượt quá chương trình đào tạo được phê duyệt của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, mỗi lưu học sinh được hỗ trợ sinh hoạt phí, mức hỗ trợ: 3,7 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo tháng học thực tế, không vượt quá chương trình đào tạo được phê duyệt của cơ sở đào tạo; được hỗ trợ trang cấp cá nhân ban đầu, kinh phí cấp qua cơ sở đào tạo để hỗ trợ cho lưu học sinh, được cấp một lần cho cả khóa học (bao gồm quần áo, cặp sách, chăn màn, chậu rửa và vật dụng cần thiết khác); mức hỗ trợ 5,38 triệu đồng/người/khóa học và hỗ trợ chi phí đi lại, mức hỗ trợ 4 triệu đồng/người/khóa học... Tổng kinh phí hỗ trợ trong năm 2024 khoảng 22 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với các năm học trước.
Chính sách hỗ trợ đối với lưu học sinh Lào, Campuchia thể hiện sự nhân văn, tăng cường sự hợp tác giữa Thái Nguyên nói riêng, của Việt Nam nói chung đối với hai nước; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, gắn bó, đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa ba nước. Đặc biệt là động viên các lưu học sinh cố gắng học tập tốt, sau khi được đào tạo trở về nước phát huy được năng lực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương, đất nước bạn...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin