Ở lứa tuổi nhà trẻ, trẻ em bắt đầu quá trình học nói và khi vào lớp 1, hầu hết các em đã nói chuyện lưu loát. Tuy nhiên, đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS), việc nói tiếng Việt tương đối hạn chế, thậm chí một số học sinh lớp 1, lớp 2, khả năng diễn đạt vẫn còn khá chậm. Vì thế, việc tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học ở khu vực này rất quan trọng, tạo nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn.
Giờ học môn Tiếng Việt của cô và trò lớp 2, điểm trường xóm Liên Phương, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). |
Quan sát một giờ học của lớp mẫu giáo 5 tuổi ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), chúng tôi thấy cô giáo rất vất vả để hướng dẫn các cháu. Ngoài phát âm bằng Tiếng Việt, cô còn phải dùng cả tiếng mẹ đẻ (tiếng Mông) của học sinh để diễn đạt cho các em hiểu. Mỗi giờ học, cô giáo bày ra từng vật dụng như: xô, cốc, chậu... rồi phát âm từng từ một cho trẻ đọc theo.
Tương tự, tại điểm trường Liên Phương thuộc Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ), có 100% học sinh là đồng bào Mông. Cô giáo Vi Thị Phương, dân tộc Nùng, dạy lớp 1 tại đây, chia sẻ: Hầu hết học sinh vào lớp 1 nói Tiếng Việt rất kém. Nguyên nhân là do các em chỉ sống bó hẹp ở bản làng, ít được tiếp xúc với nơi đông người nên rất nhút nhát và hạn chế về vốn Tiếng Việt. Phải mất 3-4 tháng của học kỳ I, các em mới quen với nền nếp học tập và vốn Tiếng Việt tốt dần lên. Trong quá trình dạy học, tôi phải học thêm tiếng Mông để phiên âm cả bằng tiếng dân tộc và Tiếng Việt nhằm giúp các em hiểu bài. Nhiều học sinh không hiểu lời cô giáo nói nên tôi phải tìm những từ diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu nhất để chuyển tải nội dung bài học.
"Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng hiện có 3 điểm trường, điểm chính có 5 lớp, với 129 học sinh. 2 điểm trường còn lại ở các xóm Bản Tèn và Liên Phương, là nơi có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. Tổng số học sinh của 2 điểm trường này là 258 em. Học sinh ở đây phần lớn là nhút nhát, rụt rè, vốn Tiếng Việt ít nên ngại giao tiếp." Cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng |
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng nhấn mạnh những khó khăn và sự nỗ lực của các thầy, cô khi dạy học sinh DTTS. Cô Thủy nói: Để tăng cường Tiếng Việt cho học sinh, Nhà trường phải sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, trong đó, ưu tiên những giáo viên là người địa phương đứng lớp. Hiện nay, ở 2 điểm trường Bản Tèn và Liên Phương, mỗi điểm đều có 1-2 giáo viên có thể nghe, nói tiếng dân tộc. Ngoài ra, trong quá trình học tập, Nhà trường còn lồng ghép những trò chơi liên quan đến việc giao tiếp thông qua các hình ảnh trực quan, sinh động, giúp học sinh luyện nói, luyện nghe và thực hành các kỹ năng hỏi, đáp bằng Tiếng Việt.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở vùng DTTS, năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xây dựng Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày; có các biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng; quan tâm giúp đỡ số học sinh yếu kém; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách do Nhà nước quy định.
Thực hiện Đề án, các nhà trường đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí mạng lưới điểm trường hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học. Đồng thời tích cực huy động sự hỗ trợ của cộng đồng; phát động các phong trào ủng hộ quần áo, sách vở, tiền, gạo để hỗ trợ học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo yêu cầu đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở cho các em...
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, Thái Nguyên có 49.938 học sinh tiểu học là người DTTS, chiếm tỷ lệ 39,95%; số hoàn thành chương trình là 49.540 em, chiếm 99,2% và số chưa hoàn thành chương trình là 398 em, chiếm 0,8%.
Năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lập kế hoạch chỉ đạo 41 trường mầm non thuộc 5 huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa và Phú Bình tăng cường dạy Tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đối với cấp tiểu học, tập trung dạy Tiếng Việt cho học sinh lớp 1, lớp 2 là người DTTS tại 45 trường tiểu học của 3 huyện Võ Nhai, Định Hóa và Đồng Hỷ. Những trường mầm non, tiểu học nằm trong kế hoạch này được trang bị bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, tài liệu hướng dẫn chuẩn bị Tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học (dành riêng cho giáo viên) và học liệu (sách, tranh thơ, truyện, thẻ chữ cái).
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin