Hiện nay, huyện Đồng Hỷ có trên 99,3 nghìn dân, trong đó có hơn 49,8 nghìn người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện chiếm hơn 13,4%. Là địa bàn còn nhiều khó khăn, thời gian qua, lực lượng cán bộ làm công tác dân số của huyện phải rất nỗ lực trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về pháp luật dân số.
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ) tuyên truyền chính sách, pháp luật dân số tại một gia đình người dân tộc Mông ở bản Lân Quan. |
Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế Đồng Hỷ, cho hay: Huyện đang có 3/15 xã thuộc vùng III - vùng khó khăn là Tân Long, Văn Lăng, Hợp Tiến. Điều kiện kinh tế, đường giao thông của một số xã còn nhiều khó khăn, có nhiều xóm, bản cách xa trạm y tế. Đáng nói, ở các địa bàn vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và chưa thực hiện tốt công tác dân số, KHHGĐ.
Ngoài những khó khăn trên thì các tập tục lạc hậu “ăn sâu, bám rễ” từ đời này sang đời khác ở các bản người Mông, Dao… của các xã Văn Lăng, Tân Long, Hợp Tiến, như dựng vợ, gả chồng khi chưa đủ tuổi (tảo hôn); anh em trong dòng họ lấy nhau (hôn nhân cận huyết thống) cũng gây nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về pháp luật dân số.
Chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ Trạm Y tế xã Văn Lăng, cho hay: Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng. Khi chúng tôi tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình muốn sinh thêm con cho “đủ nếp, đủ tẻ” nên lúc phải viết giấy cam kết thì nhất quyết không nhận tiền; có trường hợp viết cam kết vẫn sinh con thứ 3, vi phạm chính sách nhưng không trả lại tiền vì đã tiêu hết…
Với suy nghĩ, chỉ có tuyên truyền, vận động một cách sâu sát, quyết liệt, thường xuyên đến tận người dân mới làm họ thay đổi nhận thức, hành vi về dân số, KHHGĐ, thời gian qua, lực lượng cán bộ làm công tác dân số của huyện Đồng Hỷ đã luôn nỗ lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Chị Ngô Thị Đạt, cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long, cho hay: Với đặc thù là xã vùng cao, có đông đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng… sinh sống nên chúng tôi luôn phải có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền để phù hợp với tập quán sinh hoạt của bà con. Ở các bản người Mông như Lân Quan, Mỏ Ba, thay vì tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp do xóm, xã tổ chức hoặc qua các cụm loa truyền thanh, chúng tôi phải đến tận nhà hộ dân để truyên truyền, vận động bà con không cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sinh đẻ có kế hoạch và dùng các biện pháp tránh thai hiện đại để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ…
Cùng với tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ dân, thời gian qua, lực lượng cán bộ làm công tác dân số của Đồng Hỷ đã phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trong huyện tổ chức nhiều hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh… Nhất là tuyên truyền để giảm thiểu vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên tại các bản vùng cao; tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên…
Ông Triệu Văn Thu cho rằng, để nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, KHHGĐ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế cũng đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương. Đặc biệt, trong các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, chúng ta phải có tiêu chí về dân số. Đây được xem là một tiêu chí “cứng” để khi hoàn thành các tiêu chí và về đích nông thôn mới, một xã hay huyện phải đạt tiêu chí này bằng cách người dân, chính quyền cùng quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện chính sách dân số và nâng cao chất lượng dân số…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin