Huyện Võ Nhai có trên 70% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống chủ yếu ở địa bàn vùng núi cao, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình) và thu được những kết quả tích cực.
HTX nông sản an toàn Liên Minh, xã Liên Minh (Võ Nhai) thu hút 50 thành viên và 40 hộ dân trong xã tham gia trồng và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: N.A |
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Văn Lưu, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Nác, xã Liên Minh (Võ Nhai), cho biết: Năm 2022, từ nguồn vốn của Chương trình, xóm Nác được quan tâm đầu tư xây dựng 2 ngầm tràn qua suối Đá Mài và suối Bứa; kiên cố hóa 700m đường trục chính của xóm; xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đến nay, các công trình đều cơ bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
"Nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước thì không biết đến bao giờ xóm mới làm được con đường bê tông và có nước sinh hoạt đưa về tận các hộ để sử dụng" - ông Triệu Văn Lưu chia sẻ. Bà con trong xóm đã tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất và phá dỡ tường rào, chặt hạ cây cối (với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng) để có mặt bằng thi công các công trình.
Từ nguồn ngân sách Nhà nước, huyện Võ Nhai đang đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng công trình đường tràn xóm Tân Thành - Trung Thành, xã Thượng Nung. |
Được biết trong 2 năm 2022-2023, với tổng kinh phí hơn 190 tỷ đồng của Chương trình, huyện Võ Nhai đã và đang triển khai thực hiện 49 công trình thuộc 10 nhóm dự án. Trong đó có một số dự án nổi bật, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS...
Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo quyết liệt để các dự án, công trình được triển khai đúng tiến độ. Đến nay đã có 4 công trình nước sinh hoạt tập trung được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho hơn 400 hộ dân; mở hơn 20 lớp đào tạo nghề cho hằng trăm lao động là người DTTS; hoàn thành quy hoạch xây dựng khu tái định cư Tân Kim, xã Thần Sa giải quyết nhà ở cho 79 hộ...
Tuyến đường vào xóm Na Bả, xã Phương Giao (Võ Nhai) đã được đổ bê tông. |
Ông Hà Việt Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Võ Nhai, cho biết: Được giao nhiệm vụ triển khai các lớp đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề, tổng hợp số lượng và tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề (như chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng rau an toàn; may công nghiệp; sử dụng thuốc thú y…) cho bà con.
Trong quá trình theo học, các học viên được trang bị kiến thức chuyên môn; thực hành; được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Sau đào tạo, có trên 90% số học viên có việc làm hoặc biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Người dân xã Tràng Xá (Võ Nhai) được tư vấn giới thiệu việc làm. |
Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, vùng cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS ở Võ Nhai. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn gần 17% (giảm 3,38% so với năm 2022).
Hầu hết các xóm, bản vùng đồng bào DTTS trong huyện đã có đường bê tông; trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy những kết quả đạt được của Chương trình, thời gian tới, huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi; chú trọng công tác đào tạo nghề, quan tâm phát triển các hoạt động tạo sinh kế tại chỗ nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các dự án trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin