Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số ở vùng khó

Tùng Lâm 10:39, 13/11/2023

Thái Nguyên hiện có 110 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức trong thực hiện các quy định về pháp luật dân số của bà con còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, thời gian qua, lực lượng cán bộ làm công tác dân số của tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn.

Cán bộ phụ trách công tác dân số, Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ), tuyên truyền để người Mông Lân Quan thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân số.
Cán bộ phụ trách công tác dân số, Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ), tuyên truyền để người Mông Lân Quan thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân số.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh, cho hay: Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số tại các vùng khó bằng nhiều hình thức phong phú. Trong đó, việc phối hợp với các cơ quan báo chí như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên thực hiện các phóng sự, tin, bài, ảnh về công tác dân số được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền còn được lồng ghép trong các buổi tiêm chủng, buổi họp triển khai các chương trình, tuyên truyền qua Zalo, Facebook, TikTok… ở cấp huyện.

Tại cấp cơ sở, hoạt động tuyên truyền không chỉ được thực hiện lồng ghép qua những hội nghị ở cấp xã mà còn lồng ghép với các buổi sinh hoạt của các hội đoàn thể, trong các cuộc họp xóm; đồng thời duy trì các hoạt động truyền thông thường xuyên, tập trung chủ yếu vào đối tượng phụ nữ mang thai, vị thành niên, thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng.

Theo đó, nội dung tuyên truyền cũng khá đa dạng, như: Các chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số, KHHGĐ, nhất là hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên; giáo dục giới tính, bình đẳng giới và tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân…

Thông qua hoạt động tuyên truyền, nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng khó đã ngày một nâng lên. Chị Hoàng Thị Sen, dân tộc Nùng, xã Thần Sa (Võ Nhai), nói: Nhờ được tuyên truyền nên vợ chồng tôi chỉ sinh 2 con thôi để dành thời gian phát triển kinh tế gia đình, nuôi dậy các con nên người.

Đặc biệt, để chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhiều cặp vợ chồng ở miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (9 tháng qua, toàn tỉnh có gần 76 nghìn người sử dụng).

Đáng mừng là nhiều người dân ở vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã chủ động khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh (từ đầu năm đến nay có 5.353/15.795 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, 3.161/10.345 trẻ được khám sàng lọc sơ sinh). Ngoài ra, nhiều trường hợp đã chủ động đi khám sức khỏe tiền hồn nhân (529/4.753 nam, nữ thanh niên được khám và tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn)…

Mặc dù kết quả đạt được khá khả quan nhưng trên thực tế, công tác dân số ở vùng khó vẫn gặp không ít khó khăn, như: Một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn có tư tưởng sinh nhiều con để tăng nhân lực lao động; gia đình phải “có nếp, có tẻ"... Ngoài ra, nhiều địa phương miền núi, vùng cao có địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động bà con.

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền đóng vai trò tích cực trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân. Vì lẽ đó, thời gian tới, công tác tuyên truyền tiếp tục được lực lượng làm công tác dân số đẩy mạng bằng cách vận động cán bộ, nhân dân thực hiện chính sách dân số và phát triển trong tình hình mới.

Cùng với đó là xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong thực hiện chính sách phát triển. Đặc biệt là tăng cường hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh truyền thông nhân dịp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11-7), Ngày Dân số Việt Nam (26-12), Tháng hành động Quốc gia về dân số…