Giải “bài toán” giảm nghèo ở Thượng Nung

Hoàng Cường 12:47, 16/11/2023

Là địa phương vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên giảm nghèo được xã Thượng Nung (Võ Nhai) xác định là nhiệm vụ trọng tâm. 

Những năm qua, xã Thượng Nung (Võ Nhai) chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thay đổi diện mạo của địa phương. 
Những năm qua, xã Thượng Nung (Võ Nhai) chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thay đổi diện mạo của địa phương. 

Từ trung tâm huyện Võ Nhai, chúng tôi vượt hơn 40km để vào trung tâm xã. Ở Thượng Nung có đến 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông và Tày). Xã nằm trong lõi rừng đặc dụng nên cuộc sống của bà con dù đã khởi sắc hơn trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung Ma Văn Hoàng trò chuyện: Hơn 3 năm trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm đến hơn 40%. Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và cần gấp rút thực hiện, xã đã xây dựng nghị quyết, thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo; xây dựng kế hoạch, giải pháp chi tiết; thường xuyên giao ban, báo cáo nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ....

Để giảm nghèo bền vững, xã Thượng Nung xác định phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”. Theo đó, từ nguồn vốn của Chương trình 135, giảm nghèo…, xã định hướng và hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi để tận dụng lợi thế đất đồi rộng.

Là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò sinh sản, ông Lương Văn Xuân, ở xóm An Thành, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa và ngô nên thu nhập không đáng kể. Năm 2012, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí mua bò sinh sản và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau 1 năm chăm sóc, bò đẻ lứa bê đầu tiên giúp gia đình có nguồn thu nhập 30 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi mua thêm bò để gây giống.

Cứ thế xoay vòng sau khoảng 8 năm, đến nay gia đình ông Xuân đã có 12 con bò sinh sản, mỗi năm xuất bán 1-2 con bê, thu về hơn 40 triệu đồng và vươn lên thoát nghèo. Với số vốn tích lũy được từ nuôi bò sinh sản, hiện nay, gia đình ông đã chuyển hướng sang nuôi dê để nâng cao thu nhập. Với quy mô nuôi hơn 70 con dê, mỗi năm gia đình thu lãi 40-50 triệu đồng.


Nhờ chăn nuôi nuôi dê, bò, mỗi năm gia đình ông Lương Văn Xuân, ở xóm An Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai) thu lãi 40-50 triệu đồng. 
Nhờ chăn nuôi nuôi dê, bò, mỗi năm gia đình ông Lương Văn Xuân, ở xóm An Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai) thu lãi 40-50 triệu đồng. 

Cùng với hỗ trợ sản xuất, hàng năm, xã Thượng Nung phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện và doanh nghiệp tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu lao động; tư vấn, định hướng xuất khẩu lao động… Theo thống kê sơ bộ, toàn xã hiện có 1.470 người địa phương đang đi làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, với thu nhập bình quân 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Những năm qua, xã Thượng Nung cũng chú trọng phát triển hạ tầng thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay, trên 80% đường giao thông của xã được cứng hóa; 100% người dân có điện sinh hoạt ổn định; các xóm có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng… Từ đó tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, nâng cao thu nhập...

Có thể thấy, những giải pháp thiết thực trên đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo tại Thượng Nung. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 183 hộ, giảm gần 9% so với năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn như: Phần lớn hộ nghèo là người dân tộc Mông đang sinh sống tại các lõi rừng đặc dụng nên không thể chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, hiệu quả kinh tế không cao; trình độ sản xuất của người dân còn thấp…

Thời gian tới, chính quyền địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện cho người dân được chuyển đổi một phần diện tích đất rừng đặc dụng sang sản xuất để có điều kiện phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao thu nhập.