Ghi nhận ở một trạm y tế vùng khó

Tùng Lâm 08:04, 24/11/2023

Với 6 cán bộ (trong đó có 1 bác sĩ), những năm qua, Trạm Y tế xã Thanh Định (Định Hóa) luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trên 5.500 người dân địa phương. Cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, quản lý sức khỏe cộng đồng, truyền thông giáo dục sức khỏe…, Trạm luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và xử trí hiệu quả nhiều ca bệnh khó, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Cán bộ Trạm Y tế Thanh Định (Định Hóa) điều trị cho người bệnh.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh Định (Định Hóa) điều trị cho người bệnh.

Có mặt tại Trạm Y tế xã Thanh Định - nơi có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng… sinh sống, chúng tôi thấy lượng bệnh nhân đến đây khám, chữa bệnh khá đông. Bà Ma Thị Tung, 78 tuổi, ở xóm Trung Tâm, cho hay: Tôi bị ho, sốt vài ngày nay nên đến Trạm Y tế để khám bệnh. Vì xa trung tâm huyện nên mỗi khi đau ốm, chúng tôi đều đến Trạm khám, chữa bệnh cho tiện chứ không vượt tuyến bao giờ.

Từ chia sẻ của bà Tung chúng tôi được biết, Tram Y tế xã Thanh Định đã và đang trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín của người dân trong xã. Không chỉ điều trị hiệu quả cho người dân các bệnh thông thường như viêm họng cấp, viêm phế quản, viêm phổi…, Trạm còn xử trí được nhiều ca bệnh khá phức tạp.

Y sĩ Nguyễn Đình Hiện, Trạm phó Trạm Y tế xã, cho biết: Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân gặp tình trạng dị ứng nặng (không mạch, không huyết áp) sau khi bị ong đốt. Mới đây, một nam bệnh nhân ngoài 40 tuổi, ở xóm Văn Lang, được đưa đến Trạm trong tình trạng tức ngực, khó thở, vệ sinh không tự chủ, toàn thân tím tái... Trước đó, bệnh nhân bị đàn ong vò vẽ đốt hơn 20 nốt khi đang phát cỏ trong khu rừng của gia đình. Sau 30 phút được cấp cứu, bệnh nhân đã trở lại bình thường và được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục theo dõi sức khỏe…

Ngoài ra, nhiều trường hợp chấn thương phần mềm cũng được xử trí ngay tại Trạm, nhất là các trường hợp gặp tai nạn trong lao động, sản xuất; tai nạn giao thông. Anh Hiện cho biết thêm: Việc khâu các vết thương ở trán, tay, chân… đối với chúng tôi đã rất quen thuộc. Nếu những thủ thuật đơn giản như thế này mà tuyến y tế gần dân nhất không thực hiện được thì sẽ rất vất vả cho bà con…

Có thể thấy, với mong muốn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, cùng với việc tự học, tự rèn, các cán bộ của Trạm đã tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đơn cử như chị Đồng Thị Tiện, với quyết tâm cao, chị đã dành 6 năm “đèn sách” tại Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên để học liên thông từ y sĩ lên bác sĩ. Vừa mới tốt nghiệp chưa lâu nhưng với kinh nghiệm từ thực tiễn, bác sĩ Tiện đã trở thành “điểm tựa” của Trạm Y tế. Bà Ma Thị Tung nói: Bác sĩ Tiện giỏi lắm, luôn “bắt” đúng bệnh và kê thuốc cho chúng tôi uống rất hiệu quả. Không chỉ bác sĩ Tiện mà tất cả cán bộ của Trạm đều nhiệt tình tư vấn chăm sóc sức khỏe, tận tình thăm khám, kê đơn, gần gũi với người bệnh như người thân của mình.  

Qua những chia sẻ của người dân, chúng tôi có thể cảm nhận được tình cảm mà bà con dành cho những cán bộ y tế xã tận tâm với công việc. Có lẽ đây chính là lý do giúp Trạm thu hút được nhiều người dân đến khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trung bình mỗi năm, Trạm khám, chữa bệnh cho trên 2.000 lượt người. Riêng 6 tháng đầu năm, Trạm khám, chữa bệnh cho gần 1.100 lượt người, trong đó có xấp xỉ 700 lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, Trạm còn làm tốt công tác sơ cấp cứu, chuyển viện kịp thời cho hàng trăm trường hợp bệnh nhân nặng lên tuyến trên, không để xảy ra sai sót về chuyên môn.