Chỉ một chút sơ ý, chủ quan, tai nạn lao động ập đến, có thể lấy đi cả sinh mạng người lao động. Nhận thức rõ điều đó, hầu hết các doanh nghiệp đã có sự quan tâm nhất định đến công tác an toàn vệ sinh lao động (VSLĐ). Tuy nhiên, có nơi, có lúc tại các doanh nghiệp vẫn còn tình trạng xao nhãng, chủ quan.
Hầu hết người lao động làm việc tại Công ty CP cơ khí Gang thép (TP. Thái Nguyên) được huấn luyện về an toàn VSLĐ. |
Năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 138 vụ tai nạn lao động, làm 140 người bị nạn (trong đó có 24 người chết, 42 người bị thương nặng). So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn lao động tăng 19 vụ và tăng 29 trường hợp bị tai nạn. Ngoài thiệt hại về người, các doanh nghiệp còn tổn thất nhiều về tài sản, với tổng số 2.533 ngày nghỉ có liên quan đến tai nạn lao động và gần 2,5 tỷ đồng.
Qua phân tích nguyên nhân, có hơn 78% số vụ tai nạn do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; 5% do không sử dụng phương tiện cá nhân và một số nguyên nhân khác... Có thể thấy, phần lớn các vụ tai nạn lao động xảy ra đều có nguyên nhân từ chủ quan của doanh nghiệp và người lao động. Nhất là việc người lao động chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn VSLĐ.
Hằng năm, Hội đồng An toàn VSLĐ tỉnh đều tổ chức liên ngành kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp. Nhưng qua kiểm tra, không có doanh nghiệp nào chấp hành đầy đủ 100% quy định pháp luật về an toàn lao động, VSLĐ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP kết cấu thép số 5 (TP. Thái Nguyên), cho biết: Để sản xuất an toàn, Công ty có mạng lưới an toàn, vệ sinh viên. Công ty cũng đã ban hành quy trình bảo đảm an toàn lao động nghiêm ngặt tại xưởng sản xuất. Nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra. Đó là trường hợp của anh Dương Đình Chung, gây tỷ lệ tổn thương cơ thể 18% và Công ty phải bồi thường số tiền gần 8 triệu đồng theo quy định.
Trên thực tế, nguy cơ dẫn đến mất an toàn có thể nhìn thấy hằng ngày và trong từng giờ sản xuất. Nhiều người được trang bị đầy đủ bảo bộ lao động, kiến thức về an toàn VSLĐ nhưng không chấp hành, với lý do vướng víu, ảnh hưởng đến thao tác chuyên môn. Việc này cán bộ phụ trách an toàn lao động cũng nhắc nhở, song nếu nhắc quá nhiều, người lao động dễ tự ái, bỏ việc.
Ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ an toàn chuyên trách thuộc Công ty CP cơ khí Gang Thép (TP. Thái Nguyên), cho hay: Công ty có đầy đủ đội ngũ nhân lực làm công tác an toàn VSLĐ, với 23 người được chi trả phụ cấp trách nhiệm. Song từ năm 2022 đến hết tháng 3/2023, tại đơn vị đã xảy ra 3 sự cố dẫn đến tai nạn lao động.
Còn ông Lưu Tuấn Khoa, cán bộ kỹ thuật phụ trách an toàn lao động tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tấn Đức (TP. Phổ Yên), không giấu giếm: Để sản xuất, kinh doanh an toàn, trong thời gian tới, Công ty sẽ thành lập mạng lưới an toàn - vệ sinh viên; đồng thời xây dựng kế hoạch an toàn VSLĐ, phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn VSLĐ và thực hiện rà soát phân nhóm, huấn luyện an toàn VSLĐ cho toàn bộ người lao động đang làm việc tại đơn vị.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, công tác an toàn VSLĐ tại các doanh nghiệp cơ bản được phân công cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm. Có một số thời điểm, đội ngũ này không tham mưu kịp thời cho Ban Giám đốc về thực trạng mất an toàn lao động đang tiềm ẩn tại cơ sở sản xuất. Giản đơn như các thiết bị bảo hộ lao động hết niên hạn sử dụng; các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau khi thẩm định nhưng không báo cáo với cơ quan chức năng Nhà nước theo quy định...
Từ con số vụ tai nạn lao động xảy ra mỗi năm, có thể thấy, trách nhiệm người lao động và người sử dụng lao động trong chấp hành quy định an toàn VSLĐ còn thiếu chặt chẽ. Nhiều lỗi được cơ quan chuyên môn kiểm tra chỉ ra trong các đợt thanh kiểm tra và phải đến lúc này, lãnh đạo các đơn vị được kiểm tra mới biết đến những thiếu sót, hạn chế đó và cam kết sửa chữa, khắc phục... Khi đó, cả cộng đồng đều mong đợi lời cam kết của doanh nhân nhanh chóng trở thành hiện thực. Bởi an toàn VSLĐ được coi trọng, là cách doanh nhân coi trọng mình và tôn trọng người lao động của mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin