Tính từ đầu năm đến nay, huyện Phú Lương đã giải quyết việc làm cho trên 1,2 nghìn lao động, đạt 77,06% kế hoạch năm. Để đạt được kết quả này, huyện đã nỗ lực triển khai linh hoạt nhiều giải pháp để kết nối cung cầu lao động.
Công ty TNHH Shints BTV tại thị trấn Đu tạo nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn. |
Theo thống kê, hiện tỷ lệ dân số đang trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện Phú Lương chiếm gần 65%. Chính vì thế, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân trên địa bàn là khá lớn.
Để công tác giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao, ngay từ cuối năm 2022, huyện đã điều tra thu thập thông tin về tình trạng và nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề của lao động. Từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch giải quyết việc làm trong năm 2023.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin cung cầu, huyện đã đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.
Từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, các địa phương tổ chức được 8 ngày hội, phiên giao dịch việc làm bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo cán bộ ở cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng nội dung tuyển dụng để thông tin tới người dân qua loa phát thanh và tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình; phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức những hoạt động tuyên truyền lồng ghép về quy định của luật, văn bản chính sách của Nhà nước về việc làm và tư vấn học nghề.
Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại phiên giao dịch việc làm ở xã Phủ Lý. |
Các hoạt động đó đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận được với các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm để lựa chọn công việc và ngành nghề đào tạo phù hợp.
Cùng với giải pháp trên, dựa theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của người dân, huyện cũng phối hợp mở lớp đào tạo nghề cho người lao động với các nghề chủ yếu như: Kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm cây công nghiệp; chế biến chè; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, gà; kỹ thuật may công nghiệp...
Đến nay, huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đơn vị dạy nghề của tỉnh, huyện tổ chức được 43 lớp đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo nghề thường xuyên cho gần 1,3 nghìn lao động.
Qua các lớp đào tạo, người lao động được tiếp cận với chính sách đào tạo nghề, tăng cơ hội có việc làm với thu nhập ổn định; nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và tăng gia sản xuất…
Nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, huyện cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vận động, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Tính đến ngày 30-6, tổng dư nợ cho vay phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là trên 294 tỷ đồng với trên 5,3 nghìn hộ vay.
Trong đó, dư nợ cho vay vốn hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là trên 56 tỷ đồng với gần 1,2 nghìn người vay. Từ những nguồn vốn này, người lao động có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương, phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Công tác giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,83% (giảm 1,56% so với năm 2021).
Bà Đỗ Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Qua khảo sát sơ bộ, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn huyện là trên 1.200 lao động. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, thời gian tới, huyện sẽ tích cực phối hợp với các địa phương rà soát số người trong độ tuổi lao động để giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp. Đồng thời phối hợp với các đơn vị, hội, đoàn thể tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin