Số hóa thị trường lao động

Ngọc Chuẩn 07:55, 14/09/2023

Xây dựng cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc” là một trong những giải pháp số hóa thị trường lao động đang được các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện. Việc số hóa thị trường lao động trực tiếp hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động (NLĐ) thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở Lao động - TB&XH (bên trái) kết nối cho người lao động trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng qua mạng internet.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) kết nối giúp người lao động trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng qua Internet.

Mục tiêu của việc số hóa thị trường lao động là xây dựng cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc” và quản lý lao động gắn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đồng thời, xây dựng, phát triển ứng dụng điện tử đăng ký “Việc tìm người - Người tìm việc”; đăng ký việc làm; thu thập, chuẩn hóa, nhập dữ liệu; lưu trữ, bảo mật, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý lao động; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức bộ máy nhân sự, vận hành, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý lao động.

Đối tượng được quan tâm trong hoạt động này là NLĐ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động khảo sát, nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng và nhu cầu việc làm của NLĐ.

Theo đó, Trung tâm thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của gần 1.200 doanh nghiệp/năm, với nhu cầu cần tuyển dụng trên 30.000 chỉ tiêu, tại hơn 35 vị trí việc làm.

Cùng với khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, Trung tâm phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện rà sát, nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm thường xuyên của hơn 10.000 NLĐ/năm. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm trực tiếp thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của 350 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng tại hơn 20 vị trí việc làm và hơn 20.000 chỉ tiêu.

Trung tâm cũng tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin về nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia thị trường lao động tại 9 huyện, thành phố. Kết quả, hiện nay hơn 4.000 NLĐ trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tìm kiếm việc làm, hoặc chuyển đổi nghề mới.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ sở dữ liệu về NLĐ tập hợp những thông tin cơ bản về nhân khẩu, việc làm, quan hệ lao động của NLĐ được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng thông tin điện tử; được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Những thông tin cơ bản của NLĐ như: Trình độ, kỹ năng lao động, tình trạng việc làm, quan hệ lao động, tham gia các loại hình bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện; thông tin đăng ký lao động của NLĐ thông qua ứng dụng điện tử đăng ký việc làm hoặc các ứng dụng khác có liên quan... đều được cập nhật đầy đủ.

Trên cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc”, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng chủ động phối hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến nhà tuyển dụng và NLĐ về chính sách, pháp luật về việc làm, nghề học, lao động... Các hình thức chuyển tải thông tin tương đối đa dạng, như: thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, thành phố; loa truyền thông ở các phường, xã, xóm; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố có liên kết cung - cầu lao động với Thái Nguyên. Nhờ đó, nguồn tài nguyên cung ứng cho thị trường lao động được phổ biến rộng rãi.

Thêm một điểm đặc biệt khi số hóa thị trường lao động đó là nhà tuyển dụng và NLĐ có thể sử dụng sổ lao động điện tử để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính liên quan đến đào tạo, tuyển dụng, tham gia các chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm…

Theo đánh giá, việc xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu thị trường lao động giúp các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động; nắm bắt được tình hình cung - cầu lao động, những biến động để phân tích, dự báo sát... Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin để có kế hoạch xây dựng kỹ năng quản lý, quy mô vị trí việc làm, củng cố, nâng cao chất lượng lao động. NLĐ cũng nắm bắt được thông tin về thị trường lao động và dễ dàng tìm kiếm việc làm phù hợp.