Từ niềm đam mê với du lịch, anh Trần Đại Cương (sinh năm 2000), ở xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), đã lựa chọn khởi nghiệp từ mô hình du lịch cộng đồng.
Tại HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, Trần Đại Cương khá đa năng khi vừa là hướng dẫn viên du lịch, làm truyền thông và kiêm lái thuyền chở khách du lịch tham quan. |
Với diện tích trên 80ha, cùng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, hồ Ghềnh Chè có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Yếu tố này đã luôn thôi thúc Cương - chàng sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, “làm điều gì đó” để biến nơi đây trở thành địa điểm du lịch.
Cơ hội đến với anh khi năm 2019, xóm Tiền Tiến được Quỹ toàn cầu Saemaul Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ghềnh Chè. Trên cơ sở này, anh Cương đã cùng một vài người có chung sở thích thành lập Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè và vận động người thân, bạn bè tham gia.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự định đón khách của anh và các thành viên trong HTX không như kỳ vọng. Với vai trò nòng cốt trong HTX, anh động viên mọi người tranh thủ thời gian này trang bị những kỹ năng, điều kiện tốt nhất để hoạt động du lịch trải nghiệm nơi đây chuyên nghiệp hơn.
Bản thân anh cũng trực tiếp xây dựng kế hoạch, lên ý tưởng quy hoạch lại vườn chè, vườn cây ăn quả và khu vực trồng hoa, cây cảnh theo mùa, xây dựng các nhà sàn lớn, nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu du khách. Anh còn tự học cách chụp ảnh, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng đón tiếp khách du lịch do tỉnh, thành phố tổ chức, lan tỏa thông tin, hình ảnh của HTX cũng như cảnh quan hồ Ghềnh Chè đến với du khách.
Kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình, anh Cương hào hứng: Vì thích khám phá những điều mới lạ, nên mỗi khi có thời gian và điều kiện, tôi cùng một số bạn có chung sở thích đi phượt ở nhiều nơi. Trước đó, tôi cũng đã từng làm thêm các công việc như: Dẫn chương trình, hướng dẫn viên du lịch cho một số công ty trên địa bàn tỉnh nên có thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động du lịch.
Những ngày đầu xây dựng điểm du lịch cộng đồng, tôi gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, được bố mẹ và người thân ủng hộ, các thành viên HTX tin tưởng, hỗ trợ nhiệt tình, nên tôi đã từng bước vượt qua khó khăn, hiện thực hóa ước mơ của mình. Đến nay, tôi đã cùng các thành viên duy trì hiệu quả HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè với 3 tour du lịch trải nghiệm, gồm: Camping cắm trại ngoài đảo; tham quan, trải nghiệm hái và làm chè hữu cơ tại Làng nghề chè truyền thống Khe Lim; trải nghiệm chăn cá lồng, tham quan hồ Ghềnh Chè. HTX cũng đã xây dựng được 5 cơ sở phục vụ ăn uống và lưu trú, 8 phương tiện đường thủy đủ điều kiện vận chuyển du khách – anh Cương nói.
Đưa chúng tôi dạo quanh hồ Ghềnh Chè, anh Cương giới thiệu: Du khách đến đây, ngoài việc nghỉ dưỡng, thưởng thức những món ăn do chính thành viên HTX trồng và chế biến (rau xanh, cá lồng, gà đồi…) còn được trải nghiệm những công việc hàng ngày của người dân địa phương như: Chăm sóc và chế biến chè, nuôi cá…
Bình quân mỗi tháng, HTX thu hút 2.000-3.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, dịp lễ, Tết con số này tăng lên gấp 3-4 lần. Sau khi trừ mọi chi phí, nguồn lợi nhuận thu về đạt trên 100 triệu đồng/tháng. Theo đánh giá, hoạt động du lịch trải nghiệm của HTX thời gian qua không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục hộ dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và quảng bá thương hiệu chè Bình Sơn đến với du khách.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh thông tin: Tôi đang thực tập tại Trại ngựa Bá Vân để chuẩn bị tốt nghiệp. Thời gian này, tôi cũng nghiên cứu, tìm hiểu để kết nối xây dựng tour du lịch Trại ngựa Bá Vân - hồ Ghềnh Chè.
Nhắc đến Trần Đại Cương, ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn khẳng định: Dù còn đang đi học, song anh Cương đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè thời gian qua. Đặc biệt, anh đã tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào việc quảng bá du lịch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin