Nhận thức được sự quý giá của hạnh phúc, nên các thành viên trong gia đình ông bà Nguyễn Đức Cảnh - Nguyễn Thị Nhật (ở tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên, Phú Lương) luôn trân trọng gìn giữ, cùng chia sẻ yêu thương và xây đắp tổ ấm trở thành “pháo đài” vững chắc, không để các tiêu cực xã hội làm ảnh hưởng tới hạnh phúc của các thành viên.
Vợ chồng ông bà Cảnh - Nhật. |
Vợ chồng ông bà có với nhau 2 mặt con, giờ đều đã có cuộc sống riêng. Nhưng “sợi dây” liên kết tình cảm luôn cho các thành viên trong nhà gần gũi, thân thiện, gắn bó. Mọi việc vui - buồn đều có thể chia sẻ với nhau để cùng giải quyết thỏa đáng.
Trong thị trấn, bà con các tổ dân phố đều quý mến ông bà. Để có cảm tình quý báu ấy là cả một quá trình dài sống thực lòng mình với bà con nơi cư trú. Ông Cảnh chia sẻ: Làng xóm quý mến ở chỗ “tối lửa tắt đèn có nhau”. Quan tấm đến với nhau khi nhà có việc, chứ không phải mang của nả đến mua chuộc tình cảm.
Đỡ lời chồng, bà Nhật cho biết: Trước các phong trào do địa phương phát động, vợ chồng tôi đồng thuận tham gia, trong đó có việc nghiêm túc trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình, tổ dân phố văn hóa. Cuộc sống đời thường dù bận rộn, song tôi luôn dành thời gian gặp gỡ chị em trong khu dân cư để trò chuyện thân thiện về vai trò của phụ nữ trong gìn giữ mái ấm gia đình; về phẩm chất của người phụ nữ truyền thống và hiện đại; kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững; sẵn sàng tham gia giúp đỡ, hỗ trợ các hộ cùng khu dân cư có kinh tế khó khăn vươn lên, ổn định cuộc sống.
Bà Vũ Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Giang Tiên, cho biết: Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy vợ chồng ông bà Cảnh - Nhật to tiếng. 2 người luôn bên nhau rất tình cảm. Có thể nói, ông bà Cảnh - Nhật là một tấm gương về xây dựng hạnh phúc gia đình…
Một số bà con trong thị trấn khi được hỏi cũng không ngần ngại: Nhiều lúc vợ chồng giận nhau, muốn “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, nhưng thấy vợ chồng ông bà Cảnh - Nhật gắn bó như đôi sam thì thấy xấu hổ. Nhịn nhau một chút, vợ chồng lại nồng nàn vì con, vì cháu.
Hỏi kinh nghiệm “giữ lửa” hạnh phúc, bà Nhật chia sẻ ngay: “Bát đĩa còn có khi xô” huống hồ vợ chồng, nên ở nhà tôi “Chồng giận thì vợ bớt nhời/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”. Cũng may, ông nhà tôi hiền lành, thương vợ con nên chẳng bao giờ nặng lời.
Ông Cảnh cũng nói hay về vợ: Bà nhà tôi luôn dịu dàng, hết lòng yêu chồng, thương con, sao tôi lỡ nặng lời cho được.
Vợ chồng hòa thuận còn là cái gốc cơ bản để cùng nhau nuôi dạy con ngoan, có chí hướng phấn đấu, sau này trở thành công dân có ích cho xã hội. Hơn nữa, cách đối xử giữa vợ chồng, cha mẹ với con cháu còn như tấm gương để trẻ nhìn vào mỗi ngày.
Chính vì thế, vợ chông ông bà Cảnh - Nhật luôn quan tâm, phối hợp cùng nhau nuôi dạy các con. Khi các con còn nhỏ, ông bà dạy con về ý thức tự giác học tập, kỹ năng ứng xử với cha mẹ, anh em trong nhà và với bạn bè cùng trang lứa; cách “đối nhân xử thế” sao cho hài hòa, đúng mực.
Ông Cảnh tâm đắc: Cha mẹ nào chẳng mong muốn con mình vừa ngoan, vừa giỏi. Vợ chồng tôi cũng thế, kỳ vọng rất nhiều ở các con, nhưng không để các con cảm nhận thấy quá nặng vì áp lực. Để trẻ sống hồn nhiên, song có kỷ luật. Đó là cách sống có nền nếp, có tôn ti trật tự.
Bà Nhật tiếp lời chồng: Trong nhà không chỉ vợ chồng biết lắng nghe nhau, mà phải biết lắng nghe con trẻ, xem chúng mong muốn gì ở bố mẹ. Nhưng không phải để đáp ứng ngay thứ con cần, mà còn phải hỏi xem con cần thứ đó để làm gì trong cuộc sống, học tập.
Ríu ran như đôi chim sơn ca, ông bà Cảnh - Nhật dắt tay nhay lên sân khấu song ca bài “Tình em biển rộng sông dài”. Bà con thị trấn Giang Tiên đã quen thuộc với hình ảnh 2 người hát bên nhau đằm thắm. Họ đã hát với nhau ở các cuộc họp tổ dân phố, trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc tổ dân phố Giang Bình. Và họ đã cùng hát lời yêu thương ở trong chính ngôi nhà của mình suốt “mấy mươi năm cuộc đời”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin