Để gia đình thật sự là tổ ấm

Ngọc Chuẩn - Vũ Kiên 10:05, 28/06/2023

Hơn 309.000 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa trong năm 2023, chiếm gần 94% trong tổng số hộ trên toàn tỉnh. Một con số ấn tượng phản ánh chất lượng cuộc sống trong cộng đồng xã hội của người dân Thái Nguyên. Đó không chỉ là quan niệm bó hẹp “trong ấm, ngoài êm”, mà ai cũng nhận thức được gia đình là cái gốc nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, giáo dục nếp sống lành mạnh… để mỗi người trở thành công dân tốt của xã hội.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt…”. Thấm nhuần lời dạy đó, các thế hệ con cháu Bác Hồ trên quê hương Thái Nguyên không ngừng vun bồi, tạo dựng xã hội ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay có chủ đề: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” với ý nghĩa gửi gắm đến mỗi người về tầm quan trọng của gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người, dù bận rộn đến mấy, tổ ấm gia đình vẫn là chốn đi về bình yên nhất.

Bằng trải nghiệm cả đời mình, ông Dương Minh Huệ, ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) chia sẻ với chúng tôi: Một gia đình có nền nếp, có truyền thống văn hóa, có lối sống tích cực, biết yêu thương, biết chia sẻ thì con cháu trong nhà không bao giờ bị lây nhiễm văn hóa độc hại. Tôi tự hào với truyền thống của gia đình mình, 5 người con trai, gái của vợ chồng tôi đều đã có cuộc sống riêng ổn định. Các con trai, gái, dâu, rể đều là đảng viên. 10 cháu nội, ngoại đều chăm ngoan, học giỏi, hiện có 3 cháu đang theo học đại học.

Như một chân lý cuộc sống: Hạnh phúc gia đình là điều vô cùng quý giá. Đó là niềm hạnh phúc được xây đắp nên bằng tình yêu thương của các thành viên trong gia đình.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Trung Lương (Định Hóa) chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần gìn giữ tổ ấm gia đình.
Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Trung Lương (Định Hóa) chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần gìn giữ tổ ấm gia đình.

Thời gian qua, với vai trò, chức năng của mình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch luôn đồng hành cùng người dân thông qua các hoạt động của công tác gia đình và phong trào Xây dựng gia đình văn hóa. Nhiều hoạt động thiết thực được triển khai thực hiện có hiệu quả, như việc xây dựng mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học; hội thi tìm hiểu kiến thức về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; các hoạt động tuyên truyền trực quan hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái…

Năm 2023, từ trung tuần tháng 3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình của tỉnh, đã tổ chức triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến toàn dân.

Bộ tiêu chí được ví như "cẩm nang xây dựng tổ ấm gia đình". Đó cũng là giải pháp hiệu quả đưa phong trào Xây dựng gia đình văn hóa lên một tầm cao mới, chất lượng hơn.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động hướng về gia đình, tiêu biểu như: TP. Sông Công tổ chức gặp mặt, tọa đàm với 20 gia đình hạnh phúc tiêu biểu; huyện Phú Lương tổ chức các cuộc thi cắm hoa trên mạng, bữa cơm gia đình, gói bánh chưng, khoảnh khắc gia đình yêu thương, duyên dáng áo dài… Qua đó góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của mọi người dân về ý nghĩa của tổ ấm gia đình.

Thực tế minh chứng, trong các gia đình có “tôn ti trật tự”, các thành viên biết chia sẻ, tôn trọng, hỗ trợ nhau trong cuộc sống thì sẽ không bị “ô nhiễm” những thói hư, tật xấu từ góc khuất của cơ chế thị trường. Đó chính là "tấm lá chắn vô hình" nhưng đủ mạnh để bảo vệ cho các thành viên trong gia đình không bị vấp ngã. Các gia đình văn hóa tiêu biểu không chỉ là tấm gương sáng, đi đầu trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, họ còn là nhân tố góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong việc bảo vệ, gìn giữ những giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ...

Vâng! Mỗi gia đình là một tổ ấm. Tổ ấm ấy được xây dựng trên nền tảng tinh thần, quan niệm sống của mỗi người. Suy nghĩ giản đơn là có đủ ăn, đủ mặc, mọi người biết chăm lo cho nhau. Hoặc mỗi ngày, các thành viên trong nhà trở về đoàn tụ đầy đủ, cùng dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, nấu ăn, rồi ngồi quây quần quanh mâm cơm với những câu chuyện bình dị của cuộc sống đời thường.