Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

09:28, 12/11/2020

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 bệnh viện công lập và ngoài công lập. Thời gian qua, các bệnh viện luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác khám, chữa bệnh (KCB). Từ đó góp phần giảm phiền hà, thời gian chờ đợi cho người bệnh và nâng cao chất lượng KCB.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống mạng, máy tính liên tục được củng cố, trang bị tại Sở Y tế cũng như các đơn vị trực thuộc. Theo đó, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã từng bước nâng cấp, xây dựng hệ thống mạng LAN (mạng nội bộ). Đặc biệt, hệ thống mạng tại các đơn vị này luôn được bảo đảm hoạt động thông suốt, đáp ứng cơ bản các điều kiện bảo mật, an toàn thông tin và hoạt động thường xuyên, liên tục phục vụ công việc hằng ngày của cán bộ, công chức và cán bộ, nhân viên y tế tại các đơn vị trực thuộc. Đường truyền mạng internet được nâng cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu công tác quản lý, điều hành và phục vụ KCB, gửi thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT)...

Một trong những cơ sở y tế đi đầu trong việc ứng dụng CNTT phải kể đến là Bệnh viện A Thái Nguyên. Hiện nay, đơn vị đang triển khai hệ thống RIS-PACS. Đây là tổ hợp phần mềm và phần cứng có nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ, hiển thị, chuyển giao những hình ảnh chụp từ X-quang, MR, cộng hưởng từ, siêu âm, nội soi, điện tim, điện não đồ… của bệnh nhân. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đang triển khai số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án.

Ông Hà Hữu Bằng, Giám đốc Bệnh viện A cho biết: Theo quy định, bệnh án phải lưu trữ ít nhất 10 năm. Với các hồ sơ bằng giấy, chúng tôi phải mất chi phí cho việc xây dựng kho lưu trữ mà việc quản lý và tìm kiếm vẫn rất vất vả, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, từ việc triển khai số hoá toàn bộ hồ sơ bệnh án đã giúp Bệnh viện lưu trữ hồ sơ bệnh án an toàn hơn; thời gian lưu giữ lâu hơn. Đáng nói là, số hóa hồ sơ bệnh án đã giúp các bác sĩ dễ dàng truy cập hồ sơ bệnh án cũ phục vụ công tác điều trị và nghiên cứu khoa học của bệnh viện. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục nâng cấp hạ tầng mạng LAN để thực hiện bệnh án điện tử. 

Từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Bệnh viện Gang Thép ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ảnh: H.D

Tương tự, tại Bệnh viện C Thái Nguyên, việc ứng dụng CNTN cũng đã được đặc biệt quan tâm. Riêng trong năm nay, Bệnh viện đã có kế hoạch chi 2,5 tỷ đồng đầu tư cho nâng cấp hạ tầng mạng LAN để tiến tới triển khai bệnh án điện tử. Ông Nguyễn Duy  Hưng, Giám đốc Bệnh viện C nói: Khi triển khai bệnh án điện tử, mọi kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, kê đơn thuốc, diễn tiến trong quá trình điều trị... thay vì ghi trong bệnh án giấy thì sẽ được lưu lại trong máy tính. Nhờ đó, giúp các bệnh viện kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn, kịp thời phát hiện các bất hợp lý (nếu có) như chỉ định quá mức cần thiết, tương tác có hại của thuốc, kê trùng lặp hoạt chất... và thuận lợi trong việc tra cứu các dữ liệu phục vụ điều trị.

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong KCB tại các bệnh viện đã mang lại những kết quả rất thiết thực. Cụ thể, là giảm tải, rút ngắn thời gian KCB, tránh để bệnh nhân chờ đợi lâu; khâu kê đơn thuốc tránh nhầm lẫn. Bà Đàm Thùy Dương, dược sĩ, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Thái Nguyên cho biết: Chữ viết của nhiều bác sĩ rất khó đọc. Vì thế, không tránh khỏi trường hợp dược sĩ đọc nhầm và lấy sai loại thuốc cho bệnh nhân. Điều này khiến người bệnh mất tiền mà hiệu quả điều trị không cao. 

Một thực tế nữa là việc ứng dụng CNTT không chỉ giúp các cơ sở y tế giảm được nhiều thủ tục, giấy tờ mà còn đẩy nhanh thủ tục hành chính trong thanh toán chi phí KCB, nhất là thanh toán BHYT cho người bệnh. Bà Lê Thị Lành, ở tổ dân phố số 3, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Hiện nay, việc đăng ký KCB định kỳ tại một số bệnh viện rất đơn giản. Người dân chúng tôi có thể đặt lịch, lấy số khám bệnh thông qua gửi tin nhắn chứ không phải đến xếp hàng và chờ đợi hàng tiếng đồng hồ như trước.

Cũng từ việc ứng dụng CNTT, nhiều ca bệnh ở các địa bàn xa xôi của tỉnh đã nhanh chóng được hội chẩn để kịp thời cứu bệnh nhân. Thêm vào đó, thủ tục từ khi kê đơn đến khi nhận thuốc tại các bệnh phòng và khoa phòng trong các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã được tiết giảm… Đặc biệt, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện liên thông, trích chuyển dữ liệu KCB trong thanh quyết toán BHYT, giúp giảm thời gian cho cán bộ, nhân viên y tế ở các bệnh viện…

Ứng dụng CNTT trong KCB là xu hướng tất trong thời kỳ 4.0 như hiện nay. Để đáp ứng được nhu cầu KCB ngày càng tăng cao của bệnh nhân, trong thời gian tới, các cơ sở khám bệnh trên địa bản tỉnh tiếp tục cải tiến, nâng cấp đồng bộ các phần mềm ứng dụng CNTT. Cùng với đó là đầu tư nhiều hơn nữa về trang thiết bị và nguồn nhân lực…