Thời bao cấp, mỗi gia đình ở Thái Nguyên đều sinh khá nhiều con, có nhà sinh tới 10, 12 người con. Bởi thế, cái ăn, cái mặc cho các con luôn là nỗi lo của những bậc mẹ cha. Vì lẽ ấy, việc chăm lo cho đời sống tinh thần của lũ trẻ cũng bị “lãng quên”. Tuy nhiên, nhờ thực hiện chính sách dân số, mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con nên áp lực kinh tế đã giảm rõ rệt, đời sống của người dân được cải thiện kéo theo chất lượng dân số cũng được nâng lên đáng kể.
Anh Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ bản người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) cho hay: Ngày còn bé, gia đình đông con lại không định canh, định cư nên cuộc sống của chúng mình khó khăn lắm. Phải lên rừng lấy măng, đào củ mài ăn tạm nên già, trẻ, gái, trai trong bản đều không no cái bụng. Vì vậy, thế hệ trẻ khi trưởng thành có tầm vóc nhỏ bé, người già sức khỏe yếu. Sau này định canh, định cư dựng xây cuộc sống mới ở Mỏ Chì, được cán bộ tuyên truyền vận động, người Mông chúng mình đã chấp hành việc sinh đẻ có kế hoạch, tập trung phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống, quan tâm chăm sóc về thể chất và tinh thần cho trẻ em, người già…
Cùng với việc thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, tình trạng tảo hôn ở Thái Nguyên, nhất là ở cộng đồng người dân tộc thiểu số cũng đã giảm hẳn. Anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng bản người Mông Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) cho hay: Năm 17 tuổi, Nhính đã lấy vợ, sinh con. Sau này tìm hiểu, biết được việc sinh con sớm, sinh dầy sẽ khiến cho đứa trẻ sinh ra còi cọc, sức khỏe kém, khi lớn lên, thể chất kém hơn lũ bạn cùng trang lứa, vợ chống Nhính rất ân hận. Đây cũng là lý do Nhính khuyến khích con gái theo học ngành Y và xây dựng gia đình ở tuổi 25, chứ không để con đi theo “vết xe đổ” của thế hệ trước…
Khi ở thành thị, nông thôn, miền núi, vùng cao, nhận thức của người dân đã có những thay đổi tích cực về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thì đến đầu những năm 2000 tỉnh đã cơ bản đạt được mục tiêu “Mỗi gia đình có 2 con”. Lúc này, Thái Nguyên tập trung thực hiện theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, đó là thực hiện “Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội…”.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện A Thái Nguyên (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục thực hiện theo định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 được ghi trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển”. Thực tế này cho thấy, bước sang thế kỷ 21, nâng cao chất lượng dân số là bộ phận quan trọng, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong chính sách phát triển đất nước nhanh, bền vững nói chung và chính sách dân số nói riêng của Đảng, Nhà nước cũng như của Thái Nguyên.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế nói: Khoảng 5 năm trở lại đây, chất lượng dân số của tỉnh đã từng bước được cải thiện. Với dân số xấp xỉ 1,3 triêu người, tuổi thọ bình quân của người dân Thái Nguyên đã đạt gần 74 tuổi (bình quân chung của cả nước là 71,1 tuổi); hằng năm, số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh đã đạt trên 36%, số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt khoảng 90%, hơn 44% người cao tuổi được khám sức khỏe và lập sổ theo dõi.
Kết quả này có được từ sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh, nhất là khi Thái Nguyên đang có đến hơn 300 nghìn người dân tộc thiếu số, từng có lối tư duy lạc hậu… Dù vậy, phải khẳng định rằng việc nâng cao chất lượng dân số của Thái Nguyên vẫn gặp không ít khó khăn khi tuổi thọ bình quân của người dân cao nhưng tuổi khỏe mạnh bình quân còn thấp, người cao tuổi thường mắc từ 2 đến 4 bệnh mạn tính.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục dân số, KHHGĐ: Để nâng cao chất lượng dân số, mỗi cá nhân cần ăn uống đủ chất, có lối sống lành mạnh, thường xuyên thể dục. Trong mỗi gia đình, bố mẹ không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết, sinh ít con, thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh. Trên phạm vi toàn xã hội, người dân cần được cung cấp, sử dụng thực phẩm sạch, dịch vụ y tế tốt, môi trường trong lành... |
Ông Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên: Qua thực tế tại Bệnh viện A tôi nhận thấy, thời gian qua, tỷ lệ trẻ sơ sinh được các gia đình cho khám sàng lọc còn thấp, số bệnh được sàng lọc còn ít. Do vậy, nhiều trẻ có bệnh chưa được phát hiện kịp thời. Thực tế này đòi các cấp, ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền để các bà mẹ mang thai làm những xét nghiệm cần thiết tầm soát bệnh tật trước sinh, sơ sinh… cho trẻ. |
Thêm vào đó, hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn vẫn còn rất hạn chế. Tương tự, việc sàng lọc người mang gen Thalassamia (tan máu bẩm sinh) của đồng bào các dân tộc chưa được triển khai trong khi tỷ lệ người mang gen ở Thái Nguyên chiếm khá cao (11% số dân). Đặc biệt, việc khám sàng lọc trước sinh chỉ dừng lại ở siêu âm hình ảnh thai nhi chứ chưa làm được các xét nghiệm cho các bà mẹ trước sinh…
Chất lượng dân số chưa cao hạn chế chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, đồng thời là thách thức lớn đối với quá trình phát triển bền vững. Bởi thế, mục tiêu này tiếp tục đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành chức năng, từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội.
Một trong những yêu cầu không thể thiếu để nâng cao chất lượng dân số là Thái Nguyên cần đa dạng các giải pháp như khuyến khích, trợ giúp, bắt buộc để những người kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; khuyến khích, trợ giúp, bắt buộc để thai nhi được tầm soát trước sinh và trẻ em mới sinh được tầm soát bệnh tật sau sinh, trước hết là những người “có nguy cơ cao” về sinh sản, những người nghèo, cận nghèo; khuyến khích, vận động phụ nữ không sinh sớm (dưới 19 tuổi) và không sinh muộn (trên 40 tuổi). Duy trì vững chắc mô hình “Mỗi gia đình có 2 con”, tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương có mức sinh còn cao…
Vì mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 50% nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 60% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tập trung vận động người dân không kết hôn, sinh con quá sớm, không sinh dày và nhiều con, "dừng lại hai con để nuôi, dậy cho tốt"... |