Chia tầng điều trị để phân bổ nguồn lực phù hợp

09:52, 24/08/2021

Từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các địa phương trong cả nước và sự xuất hiện của 14 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, 8 ca tái dương tính sau khi điều trị khỏi trở về địa phương, Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có mức nguy cơ cao đối với dịch. Để chủ động ứng phó với tình huống xấu của dịch, dự phòng cho tình huống các ca bệnh trong cộng đồng tăng lên đến 4 con số, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phân tầng thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn theo mô hình tháp 3 tầng và 5 tầng của Bộ Y tế.

Theo đó, mô hình 3 tầng gồm: Tầng 1, dự kiến điều trị cho 1.600 bệnh nhân đã có kết quả RT-PCR khẳng định, không có bệnh nền, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Tầng 2 dự kiến điều trị cho 300 bệnh nhân có triệu chứng vừa, bệnh lý nền, trẻ em 5 tuổi trở lên, người từ 70 tuổi trở lên. Tầng 3 dự kiến điều trị cho 100 bệnh nhân có triệu chứng nặng, có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm trùng huyết, nhồi máu phổi..

Với mô hình 5 tầng gồm: Tầng 1 dự kiến điều trị cho trên 5.000 bệnh nhân không có triệu chứng. Tầng 2 dự kiến điều trị cho 5.000 bệnh nhân có triệu chứng mức độ nhẹ; tầng 3 dự kiến điều trị cho 1.600 bệnh nhân có triệu chứng mức độ nhẹ, kèm theo có bệnh lý nền; tầng 4 dự kiến điều trị cho 300 bệnh nhân có triệu chứng mức độ vừa; tầng 5 dự kiến điều trị cho 100 bệnh nhân có triệu chứng nặng, nguy kịch tại Trung tâm ICU điều trị COVID-19 (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên).

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh cho biết: Căn cứ diễn biến của dịch bệnh, tình trạng và số lượng bệnh nhân sẽ được phân khu điều trị tại các tầng trong mô hình tháp 3 tầng hoặc mô hình tháp 5 tầng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, mục tiêu phân tầng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 là để chia nhóm nguy cơ của người bệnh và những yêu cầu, can thiệp điều trị cho người bệnh để phân bố nguồn lực phù hợp cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.

Đơn cử như tại tầng 1 sẽ được bố trí lực lượng nhân viên, trang thiết bị phù hợp, không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu, hồi sức nặng hay tại tầng 3 sẽ là các Trung tâm Hồi sức tích cực được trang bị đầy đủ các hệ thống ECMO, lọc máu, hệ thống thở oxy… cũng như đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực hồi sức tích cực.

Trước đó, mô hình 3 tầng từng triển khai trong nước tại các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang... đạt hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, những ngày qua, dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh phía Nam diễn biến hết sức phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh, trong đó có nhiều ca nhẹ, hầu như không có triệu chứng nhưng cũng có nhiều ca bệnh trở nặng trong thời gian gian ngắn. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện mô hình điều trị người bệnh COVID-19 theo tháp 5 tầng tại T.P Hồ Chí Minh và phát huy hiệu quả rõ nét.

Đây là kết quả học tập có sáng tạo các mô hình điều trị của thế giới, gắn với mô hình 3 tầng đã thực hiện trong nước trước đó.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hùng Vương, Phó Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, hiện đang tham gia đoàn tình nguyện chi viện cho tâm dịch T.P Hồ Chí Minh nói: Từ thực tế điều trị, tôi nhận thấy vấn đề phân tầng cho bệnh nhân để đưa vào trong điều trị y tế thuộc chức năng của nhân viên y tế. Dù là điều trị theo mô hình 3 tầng, 5 tầng thì muốn đạt hiệu quả cao nhất, vấn đề là quản lý bệnh nhân. Điều quan trọng người dân cần làm là khai báo ngay khi có các triệu chứng lâm sàng, triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh và có thể gọi cấp cứu khi có dấu hiệu nặng.

Ông Đặng Ngọc Huy khẳng định: Những ngày qua, việc linh hoạt thay đổi mô hình điều trị COVID-19 tại các tỉnh phía Nam đã mang lại kết quả khả quan. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày; nhiều bệnh nhân nặng đã được chữa khỏi tại “tầng thứ 5”.

Bởi vậy, việc chủ động xây dựng Kế hoạch phân tầng thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo mô hình tháp 3 tầng và 5 tầng của Bộ Y tế sẽ giúp Thái Nguyên chủ động ứng phó được với các diễn biến của dịch, nhất là khi số ca nhiễm bệnh tăng cao.