Vào thời điểm giao mùa như hiện nay, các hình thái thời tiết đan xen giữa nắng nóng và mưa mát cũng khiến cho người cao tuổi, có tiền sử tăng huyết áp mạn tính, mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường dễ bị đột quy.
Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, hơn một tuần qua, số bệnh nhân bị đột quy tăng khoảng 20% so với 3 tháng trước đó. Có những ngày, Khoa tiếp nhận hơn chục ca đột quỵ.
Một số bệnh viện tuyến tỉnh như A Thái Nguyên, C Thái Nguyên, Gang thép… cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ, trong đó có những ca bệnh nặng, phải chuyển lên tuyến trên.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Duy Đạo, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Phần lớn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, ho đờm, tăng huyết áp, nói ngọng, thậm chí liệt nửa người, hôn mê…
Những thống kê gần đây cho thấy, cứ 10 người mắc bệnh đột quỵ thì có tới 6 người bị tử vong, số còn lại sẽ bị các các di chứng như: Liệt nửa người do bán cầu não bị tổn thương; méo miệng, không nói được nữa, nói không rõ lời, khó diễn tả thành câu; đại tiện không tự chủ được; trí nhớ giảm sút, lúc nhớ lúc quên. Đặc biệt, bệnh có thể bị tái phát và nhiều vấn đề rất nguy hiểm.
Trong thực tế, bệnh đột quỵ thường xảy ra do nhồi máu não, một vùng não không được cấp máu do hẹp tắc một động mạch não. Thể thứ hai là do xuất huyết não. Bệnh xảy ra do mạch máu não bị vỡ, hậu quả là máu thấm vào mô não và gây tổn thương.
Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhận định, mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán, điều trị.
Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ vàng ngay sau khi bị đột quỵ, và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan. Song song đó, phương pháp tiêm thuốc qua đường động mạch cũng giúp giảm đáng kể tỷ lệ tàn phế sau đột quỵ, với “thời gian vàng” được nâng lên 6 giờ.
Đơn cử như trường hợp nữ bệnh nhân D.T.B.S, 78 tuổi, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên), khi nhập viện (cách đây 1 tuần) đã ở trong tình trạng hôn mê. Trước đó (năm 2006), bệnh nhân cũng đã từng bị đột quỵ nhưng được phát hiện và điều trị kịp thời nên chỉ bị liệt tay phải.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Duy Đạo nói: Trường hợp bệnh nhân D.T.B.S đang tiến triển rất tích cực bởi được gia đình đưa đi viện cấp cứu kịp thời trong giờ vàng. Nếu đưa vào bệnh viện muộn (sau 6 giờ vàng), bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.
Bệnh đột quy cũng có thể được phát hiện sớm. Bởi vậy, khi đột nhiên có các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó chịu trong người, cảm thấy đi lại khó khăn, đứng không vững, cầm nắm không chắc, trí nhớ bị suy giảm, mắt mờ, nhìn không rõ, méo miệng, nói chuyện không rõ, nói ấm ớ... người bệnh không nên xem thường (dù các triệu chứng này mất đi rất nhanh), mà cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, phát hiện bệnh kịp thời và hỗ trợ điều trị tích cực.
Để phòng bệnh đột quỵ, nhất là vào thời điểm giao mùa, người già, những người có nguy cơ cao (huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường…) cần chú ý kiểm soát huyết áp của mình, ngưng hút thuốc lá, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. Mùa lạnh khi ra ngoài phải mặc ấm, không nên ra khỏi nhà vào ban đêm và không tập thể dục vào sáng sớm.
Đặc biệt, người mắc bệnh mạn tính cần duy trì uống thuốc đầy đủ, đúng giờ. Việc trì hoãn hay dùng sai liều lượng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Nếu có bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân nên nhờ sự tư vấn từ nhân viên y tế và cơ sở khám, chữa bệnh uy tín.