Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai khá nhiều hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm (KLN). Cùng với việc khám sàng lọc một số bệnh KLN khá phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường… Trung tâm còn tiến hành khám, xét nghiệm cholesterol cho người dân. Từ đó, tư vấn, hướng dẫn người dân cách theo dõi, kiểm soát bệnh hiệu quả.
Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên lấy mẫu máu xét nghiệm chỉ số đường huyết, cholesterol trong máu cho người dân. |
Bác sĩ CKII Bùi Thị Huyền, Trưởng Khoa Thần Kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), thông tin: Cholesterol là một thành phần của lipid máu, có vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào sợi thần kinh và sản xuất hormone, giúp cho cơ thể hoạt động bình thường và khoẻ mạnh. Cholesterol có 2 loại chính là LDL (cholesterol xấu) và HDL (cholesterol tốt). Nếu hàm lượng LDL-cholesterol tăng cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng lắng đọng mỡ ở thành mạch máu gây xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa động mạch này sẽ gây hẹp hoặc tắc mạch máu, cản trở sự lưu thông của máu hoặc nặng hơn có thể vỡ mạch máu đột ngột, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng (dẫn đến bệnh mạch vành - căn nguyên gây ra cơn đau tim cấp, đột quỵ - tai biến mạch máu não và bệnh lý mạch ngoại biên).
Trước những biến chứng nguy hiểm do tăng cholesterol mang lại, những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên thường xuyên khám, xét nghiệm cholesterol cho người dân trong tỉnh. Trong năm 2021, Trung tâm đã khám, xét nghiệm cho trên 2.000 người, trong đó có hơn 300 người cho kết quả tăng cholesterol trên 6,2mmol/L, chiếm tỷ lệ 24%.
Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm đã khám, xét nghiệm cho gần 2.000 người, trong đó, có khoảng 30% người tăng cholesterol trên 6,2mmol/L… Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay: Khi phát hiện các trường hợp tăng cholesterol trên 6,2mmol/L hoặc có nguy cơ cao tăng cholesterol, chúng tôi đều tư vấn, hướng dẫn cho người dân đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện đa khoa tuyến huyện để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.
Thực tế cho thấy, cholesterol trong máu cao trong một thời gian dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài yếu tố di truyền thì nguyên nhân dẫn đến cholesterol trong máu cao còn do thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt. Cụ thể là chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo no như thịt đỏ, các loại sữa, kem, bơ, phô mai, bánh ngọt, gan và các loại nội tạng động vật, những món chiên rán khoai tây chiên, gà rán hoặc các loại thực phẩm chế biến từ bơ ca cao, sô cô la... Những người ngồi hoặc nằm quá nhiều cũng có nguy cơ cao bị cholesterol trong máu cao. Hút thuốc lá, uống rượu, bia; thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ cũng là yếu tố khiến cholesterol trong máu tăng cao…
Các bác sĩ khuyến cáo, để giảm mức cholesterol trong máu, việc chăm chỉ tập thể dục và có chế độ ăn uống lành mạnh (sử dụng thức ăn ít chất béo bão hòa và tránh uống quá nhiều rượu và hút thuốc) là rất cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cần tránh ăn các chất béo động vật, thức ăn nhanh, nước có ga hay tất cả các loại thực phẩm chứa quá nhiều năng lượng, bởi các loại đồ ăn, thức uống này sẽ làm tăng nồng độ LDL và tăng cholesterol toàn phần.
Theo đó, lượng cholesterol nạp vào cơ thể không nên vượt quá 300mg/ngày. Người dân nên sử dụng dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối, phù hợp cho từng lứa tuổi. Lượng đạm nên chiếm khoảng 12-15% tổng năng lượng của toàn bộ khẩu phần, bao gồm thịt bò, thăn lợn, gà nạc, đậu đỗ. Cá là thực phẩm tốt cho những người bị rối loạn mỡ máu và tăng cholesterol trong máu. Nên kết hợp ăn cả đạm thực vật và động vật.
Riêng với chất bột đường, chiếm 60-70% tổng năng lượng của khẩu phần ăn, chúng ta nên hạn chế ăn quá ngọt, lượng đường trong ngày tối đa từ 10-20g, sử dụng ngũ cốc kết hợp với khoai củ. Đồng thời, bổ sung đầy đủ vitamin, chất khoáng, các nguyên tố vi lượng, chất xơ, chủ yếu từ rau xanh, hoa quả… để có một sức khỏe tốt và không tăng cholesterol trong máu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin