Sau khi uống thuốc điều trị bệnh gout được 2 ngày, bà T.H.M. (87 tuổi, ngụ Vũng Tàu) nổi mẩn đỏ khắp người, đau họng, bứt rứt không ngủ được, con cháu nghĩ do thời tiết thay đổi nên bà mệt. Tuy nhiên, đến khi miệng bà M. sưng phù, lở loét, khó thở, gia đình mới vội đưa bà M. lên bệnh viện TP Hồ Chí Minh cấp cứu.
Bác sĩ CKI Trịnh Hoàng Nguyên, khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bà M. nhập viện trong tình trạng toàn thân nổi ban đỏ, môi lở loét, mặt sưng, tụt huyết áp chỉ còn 78/46 mmHg (bình thường 120/80mmHg). Ngay lập tức, người bệnh được dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, song song với thuốc kháng viêm, chống dị ứng theo phác đồ của Bộ Y tế.
Sau gần nửa tháng nằm điều trị, sức khỏe bà M. ổn định và được cho xuất viện. Ảnh: BVCC |
Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ Trịnh Hoàng Nguyên xác định bà M. bị hội chứng Stevens – Johnhson do dị ứng với thuốc Allopurinol, gây tổn thương da, niêm mạc, biến chứng nhiễm trùng huyết, suy thận cấp mức độ nặng. Nếu không kịp nhập viện và điều trị ngay tức khắc, bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Người bệnh được chuyển đến khoa Hồi sức Cấp cứu điều trị tích cực.
Tại đây, bà M. được chỉ định lọc máu để loại bỏ các chất trung gian gây viêm trong máy và hỗ trợ thận; đồng thời được thay thế huyết tương lần 2 để bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng suy thận cải thiện, da lành lặn, bớt đỏ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về khoa Nội Tổng hợp. Theo các bác sĩ, khi sức khỏe ổn định, tình trạng suy thận cấp cải thiện, bệnh nhân được xuất viện, duy trì dùng thuốc điều trị suy thận và tái khám định kỳ.
Qua khai thác bệnh sử, trước nhập viện một tuần, bà M. bị đau và sưng đỏ các khớp tay, ngón chân, không đi lại được. Bác sĩ phòng khám gần nhà kê đơn thuốc điều trị bệnh gout 2 tuần. Uống 2 ngày, da bà nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, đau cổ họng liền đưa trở lại phòng khám. Bác sĩ đề nghị tiếp tục dùng thuốc cũ. Sau đó, bà mệt, nằm li bì cả ngày, bứt rứt không ngủ được, gia đình nghĩ do thời tiết thay đổi nên bà bị mệt. Tuy nhiên, rạng sáng ngày thứ 5, mặt bà M. sưng phù, môi, họng lở loét nên gia đình vội đưa bà lên bệnh viện TP Hồ Chí Minh cấp cứu.
Theo bác sĩ CKI Đinh Tuấn Vinh, Hội chứng Stevens - Johson có tỷ lệ mắc 1 - 12/1.000.000 người, tỷ lệ tử vong đến 50%. Các loại thuốc có nguy cơ cao dẫn đến hội chứng này gồm: Allopurinol, Sulfonamid, Trimethoprim-sulfamethoxazole, Aminopenicillin, Cephalosporin, Quinolon, Carbamazepine, Phenytoin, Phenobarbital và nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thuộc họ Oxicam… Ngoài ra, tùy vào cơ địa của mỗi người, khi uống các loại thuốc khác cũng có nguy cơ gây dị ứng với các mức độ khác nhau.
Bác sĩ khuyến cáo, sau khi uống thuốc, nếu thấy các biểu hiện nổi ban, ngứa… nên dừng thuốc và tái khám với bác sĩ điều trị để được tư vấn và có phương án điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng. Với người từng bị Hội chứng Stevens - Johnson, không nên dùng loại thuốc đã từng gây ra tình trạng dị ứng, bởi ở các lần sau, nguy cơ dị dứng sẽ cao hơn, diễn tiến nặng nhanh chóng, nguy cơ tử vong cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin