Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai và tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số nước ta, gây những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội, giống nòi.
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức rất cao. |
Một trong những hệ lụy trước mắt, có thể dễ dàng nhìn thấy là sự dư thừa nam giới. Hệ lụy là ngày càng có nhiều nam giới khó kiếm được vợ, từ đó làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, khiến hàng triệu nam giới phải sống độc thân, cấu trúc gia đình bị phá vỡ, người già neo đơn, không nơi nương tựa sẽ gia tăng…
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số sinh ở nước ta là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.
Các chuyên gia đánh giá vấn đề xã hội bất thường này đang trở nên nghiêm trọng. Hiện cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước, như tỉnh Sơn La (117 trẻ trai/100 trẻ gái), Nghệ An (116,6 trẻ trai/100 trẻ gái)… Tình trạng này đưa Việt Nam vào tốp các quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất.
Tại châu Á, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đứng thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà khoa học đã dự báo, nếu tình trạng này không được giải quyết thì nước ta sẽ dư thừa từ 2,3-4,3 triệu nam giới vào năm 2050.
Có thể nói, tâm lý chuộng con trai hơn con gái, những định kiến giới dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng ở Việt Nam ngày càng trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua chúng ta đã tăng cường hoàn thiện và thực thi các chính sách, pháp luật, triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh như Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030…
Đáng chú ý, Nghị quyết 21-NQ/TƯ đã nêu rõ: “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, “đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”.
Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng trong xã hội các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân số trong tình hình mới nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Phổ cập dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn. Gắn kết quả thực hiện các mục tiêu điều chỉnh mức sinh được giao cho các địa phương, đơn vị với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, nhất là đối với người đứng đầu.
Mục tiêu trước mắt cần thực hiện là điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng; duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao… Có như thế chúng ta mới thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin