Chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng khó

Tùng Lâm 08:50, 26/06/2023

Toàn tỉnh hiện có trên 384 nghìn người dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số, sinh sống tập trung ở 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm, tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ.
Chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: "Xây dựng hệ thống y tế theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân vùng khó được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao" là mục tiêu ngành Y tế luôn hướng tới. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, trước tiên, ngành Y tế Thái Nguyên coi trọng việc tập trung củng cố và phát triển y tế dự phòng, đảm bảo khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây ra dịch bệnh trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe của đồng bào.

Thực tế cho thấy, những năm qua, công tác y tế dự phòng tại các địa bàn miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh đã được thực hiện khá hiệu quả. Trong đó, lực lượng y tế tại 120 trạm y tế ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là nòng cốt.

Bác sĩ Hà Văn Rã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, chia sẻ: Nhiệm vụ của mạng lưới y tế dự phòng được thực hiện hiệu quả ngay từ tuyến cơ sở. Theo đó, 15/15 trạm y tế của huyện đã kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, COVID-19… Thông qua công tác tuyên truyền, cán bộ y tế kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt, lực lượng y tế đã “dập tắt” ngay từ khi phát hiện những ca bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, sốt rét) đầu tiên trên địa bàn...

Không chỉ có mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp, Thái Nguyên còn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận những dịch vụ y tế tốt nhất ngay từ tuyến y tế cơ sở. Theo đó, 120 trạm y tế ở các xã vùng sâu, xa, còn nhiều khó khăn, đã thực hiện được nhiều kỹ thuật của tuyến trên trong các ca bệnh khá phức tạp, như: cấp cứu thành công cho bệnh nhân bị ong đốt, xuất huyết dạ dày…  

Đặc biệt, nhiều phụ nữ mang thai được khám định kỳ (ít nhất 3 lần trong suốt những tháng thai kỳ); nhiều bà mẹ đã “vượt cạn” thành công ngay tại tuyến y tế cơ sở. Bác sĩ Lê Thị Thảo, Trạm Y tế xã Thần Sa (Võ Nhai), cho hay: Do việc đi lại khá xa nên nhiều bà mẹ lựa chọn sinh con ngay tại trạm y tế. Với những ca được dự đoán khó sinh sẽ được chuyển tuyến.

Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân xã vùng cao Sảng Mộc (Võ Nhai).

Đối với tuyến huyện, các đơn vị cũng đã tích cực đầu tư trang thiết bị y tế; bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề cho y, bác sĩ, điều dưỡng để phục vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân miền núi, vùng cao. Đến nay, một số bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật vượt tuyến, như: mổ nội soi, chạy thận nhân tạo (bệnh viện các huyện: Định Hóa, Đại Từ; Trung tâm Y tế Võ Nhai, Trung tâm Y tế Đồng Hỷ), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia khám, chữa bệnh.

Riêng Trung tâm Y tế Võ Nhai (huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, có trên 70% số dân là người dân tộc thiểu số), với nhiều nỗ lực trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế (máy nội soi tai - mũi - họng, máy gây mê kèm thở, máy siêu âm 4 chiều…), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ nhiều năm nay, đơn vị đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại ngay tại huyện, như: nối gân, đóng đinh xương đòn, nẹp vít xương...

Toàn tỉnh hiện có 12 bệnh viện tuyến tỉnh hệ công lập, 24 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương.

Không chỉ tạo điều kiện cho người dân miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất, nhiều trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh của Thái Nguyên đã thường xuyên tổ chức các buổi khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo vùng khó.

Bà Hoàng Thị Tình, xã Yên Ninh (Phú Lương), chia sẻ: Mỗi lần có đoàn cán bộ của các bệnh viện ở tỉnh, huyện về xã, chúng tôi lại được khám và phát thuốc miễn phí. Chúng tôi rất tin tưởng việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào miền núi, vùng cao...

Từ sự nỗ lực nêu trên, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao. Tuy nhiên, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các tuyến, nhất là trạm y tế xã ở vùng sâu, xa; thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế; phát triển mô hình y tế lưu động để triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh tại địa bàn vùng sâu, vùng xa…