Dịch bệnh nào cần lưu tâm khi học sinh trở lại trường lớp?

Theo TNO 10:20, 28/08/2023

Bên cạnh dịch bệnh thường xuyên như tay chân miệng, sốt xuất huyết thì học sinh trở lại trường cũng cần đề phòng các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, cúm mùa...

Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cơ bản để phòng bệnh. Ảnh: DUY TÍNH
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cơ bản để phòng bệnh. Ảnh: DUY TÍNH

Từ ngày 28-8, hầu hết học sinh từ mẫu giáo đến trung học phổ thông đều trở lại trường học, theo đó cũng có nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh trong trường học.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, khi học sinh trở lại trường thì các loại dịch bệnh hay gặp là bệnh đường tiêu hóa, bệnh hô hấp, cúm mùa cũng vào mùa. Do đó, về ăn uống thì học sinh cần được ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn uống ngoài đường. Trẻ và người trông trẻ cần phải rửa tay thường xuyên.

"Sau thời gian nghỉ hè thì trẻ cần được thiết lập thời khóa biểu trở lại, tức tập ngủ sớm trở lại, uống nước đủ, ngủ đủ. Tập luyện thể dục, tăng sức đề kháng", bác sĩ Khanh khuyến cáo. Ông cũng khuyên phụ huynh cho trẻ tiêm những vắc-xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia, tiêm vắc-xin cúm, phế cầu…

Ngoài các loại dịch bệnh trên thì tay chân miệng và sốt xuất huyết cũng cần được lưu tâm.

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết

Về dịch bệnh tay chân miệng, theo báo cáo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 21.477 ca mắc tay chân miệng. Riêng trong tuần qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP. Hồ Chí Minh giảm, với 1.869 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm  quận Bình Tân,  quận Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Hiện tại, các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang điều trị 307 ca tay chân miệng (128 ca có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh), trong đó có 304 ca mắc có độ tuổi dưới 6 tuổi (99%). Có 32 ca nặng (6 ca có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh), gồm 17 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 5 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, 6 ca đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, 4 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Trong khi đó, về dịch bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2023 đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 11.201 ca mắc sốt xuất huyết. Trong tuần qua, TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 365 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 13,3% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm quận 1,  huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.

Hiện tại, các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh đang điều trị 236 ca (151 ca có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh), trong đó có 112 ca là người lớn (2 ca phụ nữ mang thai), 124 ca trẻ em.

Số ca sốt xuất huyết đang thở máy xâm lấn là 7 ca (2 ca có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay TP. Hồ Chí Minh có 5.144 ca mắc COVID-19 được công bố. Nhiều ngày liền TP. Hồ Chí Minh không phát hiện ca mới. Hiện có 1 ca đang điều trị tại bệnh viện.

Các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai

Theo Sở Y tế, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng… 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin cho người dân biết về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.