“Bão” COVID-19 qua đi, 2023 được coi là năm có nhiều khởi sức của ngành Y tế Thái Nguyên. Không còn phải gồng mình “chống” dịch, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tập trung cho hoạt động chuyên môn và hoàn thành tốt những nhiệm vụ đề ra.
Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên đã đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. |
Củng cố hệ thống
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 24 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế (4 trung tâm, 8 bệnh viện tuyến tỉnh; 3 bệnh viện đa khoa huyện, 6 trung tâm y tế cấp huyện thực hiện chức năng y tế dự phòng và khám chữa bệnh; 3 trung tâm y tế cấp huyện chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng) và 177 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, ngành Y tế Thái Nguyên luôn quan tâm củng cố hệ thống y tế. Theo đó, Ngành đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở, nhất là các xã vùng dân tộc thiểu số, xã ATK, xã đặc biệt khó khăn.
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, nói: Trên địa bàn tỉnh hiện có 157 trạm y tế được đầu tư xây dựng nhà làm việc 2 tầng kiên cố, đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ trạm y tế tuyến xã có bác sĩ làm việc đạt gần 88%, trung bình mỗi trạm có 6 cán bộ y tế; trên 95% thôn, xóm, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Đáng nói, y tế cơ sở đã tích cực ứng dụng các phần mềm quản lý y tế, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, thống kê báo cáo.
Y tế tuyến huyện, tỉnh, thời gian qua tiếp tục được quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và quy mô giường bệnh. Cụ thể là các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 4 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh, với tổng mức đầu tư 163 tỷ đồng; đầu tư xây dựng, nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh với kinh phí trên 130 tỷ đồng... Ông Hoàng Hải cho biết thêm: Từ việc củng cố hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh Định (Định Hóa) ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn. |
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Năm 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục quan tâm, cải tiến chất lượng bệnh viện; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; thực hiện tốt việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo quy định.
Các tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, từ chỗ chỉ là tuyến dưới, trở thành trung tâm và là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh; góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Minh chứng rõ nét nhất là ở y tế tuyến xã, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trên 110 xã) đã xử trí được nhiều ca bệnh khá phức tạp, như: Dị ứng do ong đốt, khâu các vết thương phần mềm do tai nạn, xử trí ca bệnh xuất huyết dạ dày…
Hay tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, các đơn vị đã quan tâm đào tạo cán bộ và triển khai được một số kỹ thuật mới, cơ bản và chuyên sâu. Cụ thể, Bệnh viện A đã thực hiện được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (IUI, IVF); Bệnh viện Gang thép thực hiện kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức cấp cứu; Bệnh viện C phát triển được kỹ thuật ngoại khoa, chấn thương.
Ngoài ra, Bệnh viện Mắt thực hiện hiệu quả kỹ thuật Phaco; Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh ứng dụng nhiều biện pháp điều trị không cần phẫu thuật mang lại hiệu quả cao.
Đáng nói, 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh là Bệnh viện Gang thép, Bệnh viện A, Bệnh viện C vẫn đang duy trì mô hình vệ tinh của 6 bệnh viện tuyến Trung ương.
Với nhiều nỗ lực, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã đạt 51,5 giường bệnh/10.000 dân; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối thanh toán với Cổng giám định điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đặc biệt, chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công đạt trên 92% .
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin