Tình trạng bác sĩ chẩn đoán nhầm, phẫu thuật hỏng… khiến bệnh nhân vừa tốn kém tiền bạc, thời gian để điều trị lại, vừa gây đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng, lâu nay vẫn tồn tại. Vậy nhưng, không phải trường hợp nào bệnh viện hay bác sĩ trực tiếp điều trị cũng biết được để rút kinh nghiệm, hay có biện pháp khắc phục. Thực tế này đòi hỏi các bệnh viện và bệnh nhân cần làm tốt hơn thông tin hai chiều.
Bác sĩ tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh kết luận "thai ngừng phát triển" trong khi thai đang phát triển bình thường. |
Chị N.T.T (TP. Thái Nguyên) bị xe đâm khiến tay phải bị gãy. Mặc dù nơi xảy ra tai nạn ngay gần một bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng chị vẫn quyết định mổ tại bệnh viện tuyến cao hơn trên địa bàn, dù cách nhà 10km. Sau khi cho tiến hành chụp chiếu, bác sĩ kết luận chị bị gãy xương trụ chính. Do chỗ gãy trong tư thế so le nên phải mổ để nẹp đinh. Sau gần 2 tháng, chị T. vẫn chưa thể cầm được cả thìa để ăn cơm nên đã tiếp tục đến viện khám lại lần 2.
Sau khi xem phim kết hợp với khám trực tiếp, cả 2 bác sĩ thực hiện ca mổ đều khẳng định tay chị hoàn toàn bình thường, phần xương gãy can tốt. Nguyên nhân khiến tay chị vẫn đau là do bó bột bị cố định lâu quá. Chị được hướng dẫn tập phục hồi chức năng. Song sau 3 ngày tập, tay càng đau hơn nên chị quyết định về Hà Nội khám lại. Tại đây, chị được chẩn đoán trật khớp quay trụ dưới, nhưng không được các bác sĩ mổ trước đó xử lý. Chị đã phải mổ lại, đặt lại khớp quay rồi lại nẹp phần gãy. Chị đã mất tròn 4 tháng cho cái tay gãy, mà nếu mổ thành công trong lần đầu, thì chỉ cần hơn 1 tháng.
Giống như chị T, trường hợp của chị N.T.H. ở huyện Phú Bình cũng đã phải về Bệnh viện Việt Đức với tình trạng bệnh tương tự. Theo các bác sĩ, nếu chị H. không về khám lại sớm và đặt lại khớp thì nguy cơ bị hỏng cánh tay là hoàn toàn có thể. Mặc dù đã khắc phục được phần nào sai sót của bệnh viện đã mổ trước đó, nhưng do bác sĩ bó bột cho chị H. bị lệch 1/3 nên tay chị không thể làm được những việc bình thường như trước.
Còn trường hợp của chị N.H.N thì lại suýt bỏ oan cái thai vì một dòng kết luận của bác sĩ “thai ngừng phát triển”. Lẽ ra chị đã xử lý cái thai ngay hôm đó, nhưng do đã cuối giờ trưa, mà chị thì bị đau lưng cấp, không thể ngồi chờ đến chiều nên đã về nhà. Sau 3 ngày lưng đỡ đau, chị đến phòng khám ngoài để “xử lý” thì bất ngờ được bác sĩ thông báo, thai phát triển bình thường. Kiểm tra rất nhiều tại các phòng khám khác, chị đều nhận được kết quả tương tự. Và đến nay, con chị đã được ngoài 4 tuổi, phát triển khỏe mạnh bình thường.
Trên đây chỉ là 3 trường hợp mà chúng tôi quen, còn những trường hợp không quen, chắc hẳn không hề ít. Do đó, nếu các bệnh viện nói chung, mỗi bác sĩ điều trị nói riêng không làm tốt công tác thông tin 2 chiều với người bệnh, chắc chắn sẽ không thể biết được việc điều trị của mình sai, đúng ra sao... Vì thế, việc nắm lại thông tin với người bệnh, nhất là người bệnh nặng sau khi ra viện là điều rất cần thiết, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong khám và điều trị, cũng như có được lòng tin của người dân. Cần lắm những bệnh viện như thế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin