Tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến trong lứa tuổi học sinh, sinh viên, trong đó chủ yếu là cận thị. Theo số liệu thống kê mới nhất, cả nước hiện có khoảng 5 triệu trẻ em mắc phải các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị). Đối tượng phổ biến nhất mắc cận thị là trẻ em từ 6-15 tuổi, với tỷ lệ 20-40% ở khu vực thành thị, còn ở khu vực nông thôn là từ 10-15%.
Càng lên lớp cao, tỷ lệ mắc cận thị và mức độ cận của học sinh càng tăng - Ảnh minh họa. |
Theo bác sĩ Đỗ Quang Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên: Tỷ lệ khám tật khúc xạ tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên có xu hướng tăng lên (năm 2022 là 535 lượt; năm 2023 là 667 lượt; 9 tháng đầu năm 2024 là 400 lượt). Qua theo dõi công tác khám chữa bệnh tại đơn vị, chúng tôi thấy tỷ lệ mắc cận thị tăng dần theo lứa tuổi và cấp bậc học. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến cận thị trong lứa tuổi học sinh ngày càng gia tăng, đó là: Mắt nhìn gần nhiều (cường độ học tập cao; sử dụng điện thoại thông minh, máy tính; đọc truyện/sách); thiếu không gian vui chơi cho trẻ em; môi trường vệ sinh trường học (lớp học thiếu ánh sáng; kích thước bàn ghế chưa phù hợp với từng độ tuổi…). Một số ít do di truyền.
Thực tế tìm hiểu tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy có những lớp tỷ lệ học sinh lớp 3-4 bị cận thị chiếm tới 10-15%, thậm chí cao hơn, trong đó có những em cận tới 5-6 độ; còn với học sinh THPT, tỷ lệ cận có trường lên tới 40-50%. Càng những trường ở trung tâm thành phố, số học sinh mắc cận thị càng lớn. Theo một nghiên cứu mới đây của TS. Vũ Quang Dũng, nguyên Trưởng Bộ môn Mắt của Đại học Y Dược Thái Nguyên: Tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh THCS trên địa bàn tỉnh là 16,8%, trong đó cận thị chiếm 90%.
Điều đáng lo ngại là cận thị là nguyên nhân chính gây mất thị lực và đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù lòa. Cận thị cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả học tập của trẻ, đồng thời khiến trẻ bị hạn chế trong việc khám phá thế giới xung quanh, cũng như tham gia các hoạt động trải nghiệm…
Chị Nguyễn Thị Lan Hương, tổ 12, phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên, không giấu được sự lo lắng khi chia sẻ: Từ ngày con trai tôi học online (lớp 7, 8) do dịch covid-19, đến giờ là lớp 10, độ cận của cháu tăng khá nhanh. Cứ sau 3-6 tháng tái khám, độ cận của cháu lại tăng 0,25 đến 0,5 độ. Giờ một mắt cháu cận 6,75 độ, một mắt 7,25 độ. Từ năm học lớp 9 đến nay, cháu hầu như không phải học online nữa nên tôi không muốn cho cháu dùng điện thoại nhưng lại không cấm được vì cháu lấy lý do cô giáo nhắc việc và giao bài tập trên nhóm lớp nên buộc phải có điện thoại mới nắm bắt được thông tin kịp thời. Tôi mong các thầy cô giáo có giải pháp nhằm hạn chế việc sử dụng điện thoại của các con.
Hiểu được những băn khoăn, lo lắng chính đáng của phụ huynh, tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu học sinh phải nộp lại điện thoại ngay khi đến lớp và chỉ được trả lại khi tan học. Các nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT, từ nhiều năm nay cũng đã duy trì tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, qua đó giúp chẩn đoán sơ bộ được tật khúc xạ, để phụ huynh sớm biết được tình trạng mắt của con, từ đó có hướng điều trị, hay đeo kính.
Để hạn chế tình trạng tật khúc xạ nói chung, cận thị ở trẻ em nói riêng, cần giảm thời lượng nhìn gần của trẻ em. Sau mỗi tiết học ở trường, học sinh cần giải lao đi ra ngoài lớp học để nhìn xa. Khi học tại nhà nên thực hiện nguyên tắc 20-20-20 (học 20 phút, nghỉ 20 giây, nhìn xa 20 feet - 6m), giảm sử dụng các thiết bị điện tử. Phòng học cần bố trí đủ ánh sáng. Ngồi đúng tư thế, giữ khoảng cách phù hợp để đọc sách (đối với học sinh cấp tiểu học là 25cm, THCS là 30cm, THPT là khoảng 35cm). Khuyến khích các hoạt động ngoài trời, nơi có không gian rộng rãi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin